Điểm qua những triển vọng quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ sau ký kết đối tác chiến lược toàn diện tại Hà Nội

Việt Nam và Mỹ nhất trí nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.

Từ ngày 10 – 11/9/2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có chuyến viếng thăm cấp nhà nước tới Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chuyến thăm diễn ra trong thời điểm vô cùng đặc biệt khi năm 2023 là thời điểm đánh dấu kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác chiến lược Việt – Mỹ. Chuyến thăm kết thúc với việc Việt Nam và Mỹ nhất trí nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Sự kiện trên đánh dấu một chương mới trong quan hệ hợp tác giữa hai nước và mở ra nhiều cơ hội hợp tác sâu rộng cho cả hai quốc gia.

1. Bối cảnh chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden

Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden diễn ra trong thời điểm mà quan hệ Việt Nam – Mỹ đã và sắp đạt được nhiều cột mốc quan trọng. Năm nay, hai nước vừa kỷ niệm 10 năm nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược. Bên cạnh đó, Việt Nam và Mỹ tiếp tục kỷ niệm 30 năm Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận lên Việt Nam vào năm sau và năm 2025 tiếp tục là thời điểm tròn 30 năm bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ.

Trước khi có thông tin chính thức về sự kiện nâng cấp quan hệ giữa hai nước, giới học giả đã có những bình luận tích cực về khả năng Việt Nam và Mỹ sẽ trở thành Đối tác Chiến lược Toàn diện. Theo ông Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu cao cấp về chính trị thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) ở Singapore, năm nay là thời điểm tốt nhất để Việt Nam tiến hành nâng cấp quan hệ với Mỹ trước khi nước này bước vào giai đoạn tranh cử tổng thống bận rộn.[1] Bên cạnh đó, GS. Carl Thayer tại Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales cũng cho biết bối cảnh quốc tế hiện nay đã có những ảnh hưởng nhất định đến quyết định của hai nước. Theo ông, trong vòng hai năm qua, nền kinh tế toàn cầu đang chậm lại và Trung Quốc – thị trường kinh tế lớn và quan trọng đối với Việt Nam – đang gặp phải những khó khăn. Trong khi đó, lợi ích của Việt Nam và Mỹ đang ngày càng hội tụ và việc nâng cấp quan hệ giữa hai nước là cách tốt nhất để tận dụng mọi cơ hội cho sự phát triển trong tình hình biến động của thế giới như hiện nay.[2]

Tình hình tại khu vực cũng là chất xúc tác thúc đẩy Việt Nam và Mỹ phát triển và nâng cấp mối quan hệ. Tại Hội nghị cấp cao ASEAN diễn ra ở Campuchia vào tháng 11/2022, Mỹ và ASEAN đã quyết định nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện. ASEAN là một tổ chức chủ trương không chọn phe và không liên kết về lĩnh vực quân sự, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực kinh tế và các vấn đề hợp tác phát triển khác. Theo PGS. Trần Nam Tiến, giảng viên khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. HCM, Mỹ đã thể hiện sự thay đổi về tư duy đối ngoại chỉ chủ yếu thiên về an ninh – quân sự thông qua việc nâng cấp quan hệ với ASEAN. Điều này góp phần củng cố lòng tin nơi Việt Nam – một thành viên của ASEAN và cũng có chính sách đối ngoại tập trung kinh tế và phát triển – trong quá trình hai nước đi tới thống nhất việc nâng cấp quan hệ.[3]

2. Các nội dung hợp tác được củng cố và đẩy mạnh sau khi nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ

Sau 10 năm trở thành Đối tác chiến lược, theo Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh, Việt Nam và Mỹ đã có một giai đoạn phát triển mạnh mẽ và thực chất nhất trong tất cả các lĩnh vực. Hợp tác giữa hai nước được mở rộng trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, ngoại giao đến kinh tế, thương mại, đầu tư, an ninh quốc phòng, khắc phục hậu quả chiến tranh.[4]

Trong hai ngày làm việc tại Hà Nội, Việt Nam và Mỹ đã đạt được nhiều thỏa thuận quan trọng và có ý nghĩa, mang nhiều lợi ích đối với hai nước. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden đã cùng thông qua “Tuyên bố chung, thiết lập Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác, phát triển bền vững”.[5] Theo ông Bùi Thế Giang – Phó Chủ tịch Hội Việt – Mỹ, nguyên vụ trưởng Vụ Tây Âu – Bắc Mỹ (Ban Đối ngoại Trung ương Đảng), tuyên bố chung lần này với tuyên bố chung cách đây 10 năm có nhiều điểm sáng. Tuyên bố chung 10 năm trước giữa hai nước đưa ra chín trụ cột, trong khi tuyên bố chung lần này có mười vấn đề và chín trụ cột cũng được nhắc lại nhưng thể hiện tương lai hợp tác chặt chẽ và có chiều sâu hơn. Văn kiện này có thể được tóm tắt thông qua những lĩnh vực sau:

Chính trị – Ngoại giao

Việt Nam và Mỹ nhất trí thúc đẩy quan hệ chính trị – ngoại giao thông qua việc tăng cường trao đổi đoàn các cấp, nâng cao hiệu quả của các cơ chế đối thoại song phương, hướng tới thiết lập một cơ chế đối thoại thường niên giữa Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam và Ngoại trưởng Mỹ, đẩy mạnh quan hệ giữa các chính đảng và các cơ quan lập pháp hai nước và tạo điều kiện cho việc phát triển cơ quan ngoại giao và lãnh sự trên lãnh thổ của nhau.

Kinh tế

Đây là lĩnh vực hợp tác đóng vai trò then chốt trong quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt – Mỹ. Theo Tuyên bố chung, hai bên nhất trí chung tay giải quyết các rào cản trong việc tiếp cận thị trường để tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa và dịch vụ của đối phương đi vào lãnh thổ của mình. Bên cạnh đó, Mỹ cũng cam kết khẩn trương xem xét yêu cầu công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam đồng thời hỗ trợ Việt Nam phát triển cơ sở vật chất hạ tầng. Ngoài ra, hai bên cũng ghi nhận và đề cao tầm quan trọng của các quyền như quyền của người lao động, quyền sở hữu trí tuệ, hàng không, trong đó vấn đề đàm phán sửa đổi Hiệp định Vận tải Hàng không Việt Nam – Mỹ theo các nguyên tắc Bầu trời Mở được đề cập.

Khoa học công nghệ

Hợp tác khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực số là nội dung được chú trọng đẩy mạnh sau khi nâng cấp quan hệ. Lĩnh vực này cũng được xem là đột phá trong hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ. Mỹ cam kết hỗ trợ Việt Nam trong việc đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao, thúc đẩy hạ tầng số tại Việt Nam, ủng hộ Việt Nam nâng cao vai trò trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu. Đồng thời, hai bên cũng đề cao các hoạt động giao lưu trao đổi và hợp tác giữa các cơ quan học thuật của hai nước.

Giáo dục

Hai nước hoan nghênh sinh viên, giáo viên, học giả và chuyên gia hai bên đến học tập, nghiên cứu và làm việc tại trường đại học, phòng thí nghiệm của nhau, khuyến khích thiết lập quan hệ đối tác giữa các trường đại học Mỹ và Việt Nam. Ngoài ra, Mỹ còn công bố kế hoạch hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời gian tới.

Môi trường – Năng lượng – Y tế

Hai nước nhất trí phối hợp trong ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, giảm ô nhiễm môi trường và và chuyển hóa năng lượng, trong đó Mỹ cam kết hỗ trợ Việt Nam cả về tài chính lẫn công nghệ để giúp Việt Nam thực hiện các cam kết quốc tế về khí hậu. Về y tế, trên cơ sở ghi nhận những thành tựu trong hợp tác song phương để ứng phó với đại dịch COVID-19, hai bên khẳng định sẽ thúc đẩy sự phối hợp trong việc bảo đảm an ninh y tế đối với các bệnh khác như HIV, lao phổi và các bệnh do tiếp xúc với động vật. Ngoài ra, Mỹ cũng ủng hộ Việt Nam thể hiện vai trò tích cực trong chuỗi cung y tế khu vực và thế giới.

Văn hóa – Thể thao – Du lịch

Việt Nam và Mỹ hoan nghênh các hoạt động giao lưu, trao đổi giữa nhân dân hai nước và hướng tới việc tăng cường sự hợp tác giữa các bang của Mỹ và các tỉnh thành Việt Nam trên các khía cạnh văn hóa, thể thao, du lịch.

Quốc phòng – An ninh

Mỹ đánh giá cao những đóng góp của Việt Nam đối với nền hòa bình và sự ổn định của thế giới. Theo đó, hai bên sẽ đẩy mạnh hợp tác trong các vấn đề nhân đạo cũng như những vấn đề mà hai nước có cùng mối quan tâm như gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc và thực thi pháp luật trên biển. Đồng thời, Việt Nam và Mỹ cũng đã nhất trí thiết lập cơ chế Đối thoại An ninh và Thực thi Pháp luật giữa các cơ quan thực thi pháp luật, an ninh và tình báo có liên quan của hai nước để nâng cao hiệu quả hợp tác chống khủng bố và các loại tội phạm xuyên quốc gia. Ngoài ra, hai bên cũng hoan nghênh việc thúc đẩy thương mại quốc phòng và công nghiệp quốc phòng thông qua các cơ chế được cả hai bên thống nhất.

Ngoài ra, hai nước cũng sẽ tiếp tục hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người theo đúng hiến pháp của mỗi nước và phù hợp với các cam kết quốc tế, tăng cường phối hợp trong các vấn đề khu vực và thế giới trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, thúc đẩy một cấu trúc khu vực mở vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.

3. Nhận định triển vọng giữa hai nước sau khi nâng cấp quan hệ

Nhìn chung, việc nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ đến mức độ hợp tác cao nhất là Đối tác Chiến lược Toàn diện là một sự kiện mang tính lịch sử, như lời Tổng thống Mỹ Joe Biden là “mở ra kỷ nguyên mới” trong quan hệ Việt Nam và Mỹ.[6] Đây là sự ghi nhận những nỗ lực của cả hai bên trong việc thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực, đồng thời mở ra những cơ hội mới cho sự phát triển của quan hệ song phương trong thời gian tới. Bên cạnh đặt ra những mục tiêu hợp tác phát triển dài hạn, việc nâng cấp quan hệ còn giúp giải quyết những vấn đề ngắn hạn trong nội bộ mỗi quốc gia, hướng đến thiết lập một nền tảng hợp tác dựa trên sự tin cậy lẫn nhau và đôi bên cùng có lợi.

Về phía Việt Nam, việc nâng cấp quan hệ với Mỹ mở ra cơ hội phục hồi và thúc đẩy nền kinh tế quốc gia phát triển. Thực trạng phát triển kinh tế cho thấy, trước những ảnh hưởng về kinh tế do tổng cầu thế giới suy giảm mạnh, các ngành hàng xuất khẩu trọng yếu của Việt Nam trong quý 1 và quý 2 của năm 2023 chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt tại các thị trường là đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giảm 12,1% so với cùng kỳ năm trước.[7] Điều đó đã tạo sức ép lớn lên 6 tháng cuối năm, khiến cho mục tiêu tăng tưởng năm 2023 đạt 6.5% ngày càng khó đạt được.[8] Và sự kiện xác lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với Mỹ vào tháng 9 năm nay có vai trò như một đòn bẩy giúp nền kinh tế Việt Nam khôi phục về mọi mặt, đặc biệt là trên lĩnh vực hợp tác xuất khẩu. Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, sự kiện nâng tầm quan hệ hai nước là một sự kiện mang tính đột phá, góp phần thúc đẩy sự góp mặt của Việt Nam trong các chuỗi giá trị toàn cầu. Cụ thể, sự tăng trưởng của các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ trong những tháng gần đây là dấu hiệu tích cực cho thấy niềm tin của người tiêu dùng Mỹ đang phục hồi. Đặc biệt, ông dự đoán các mặt hàng xuất khẩu truyền thống và là thế mạnh của Việt Nam như dệt may, đồ gỗ, da giày, điện tử, v.v. sẽ tiếp tục phục hồi với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tích cực.[9] Điều này tương ứng với những phát biểu của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tại chuyến thăm đến Hà Nội vào ngày 20/7 năm nay khi bà nhấn mạnh Việt Nam là một đối tác quan trọng trong chủ trương “friend-shoring” (đặt cơ sở sản xuất ở các quốc gia bạn bè) của Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng xanh và cung ứng chất bán dẫn toàn cầu.[10] Theo đó, Nguyên Đại sứ Phạm Quang Vinh nhận định đây là cơ hội để nâng cao lòng tin và sự hiểu biết giữa các dân tộc, trở thành động lực cho hợp tác kinh tế lâu dài.[11] Bên cạnh lĩnh vực kinh tế, việc nâng cấp này còn báo hiệu khả năng mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực nhạy cảm giữa hai quốc gia như chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc phòng và chia sẻ thông tin tình báo.[12]

Động thái trên cho thấy để tiến đến thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện còn đòi hỏi phải xây dựng “niềm tin chiến lược”, điều giúp tạo nên nền tảng vững chắc và tạo niềm tin cho các nhà hoạch định chính sách Việt Nam theo đuổi hợp tác đa dạng và mở rộng hơn với Mỹ.[13] TS. George Tyler thuộc ngành Khoa học Chính trị, Đại học Michigan, cho rằng quan hệ Việt – Mỹ tính từ khi hai nước chính thức nâng cấp quan hệ thành đối tác toàn diện đã có một “thập niên thành công đến khó tin” và đây là minh chứng rõ ràng cho thấy hòa bình hợp tác, tôn trọng sự khác biệt có thể xóa bỏ mọi bất đồng.[14] Điều này nhấn mạnh sự tin tưởng lẫn nhau đủ lớn để tạo nên những điều kiện để hai bên hình thành một mối quan hệ gắn kết về chính trị và một môi trường an toàn cho các doanh nghiệp hoạt động và phát triển, theo những quan sát của ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách NCCS và Phát triển Truyền thông.[15] Vượt lên ngoài khuôn khổ song phương, khuôn khổ hợp tác mới còn mang lại những ý nghĩa về mặt đa phương cho Việt Nam. Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc xem đây là cơ hội để Việt Nam thể hiện điểm sáng trong đối ngoại năm 2023, khẳng định mạnh mẽ tính đúng đắn của đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, đa dạng hóa, đa phương hóa, hòa bình, hợp tác và phát triển, chính sách quốc phòng “bốn không” của Việt Nam.[16]

Về phía Mỹ, ở chiều ngược lại, Mỹ cũng mang về cho mình nhiều lợi ích khi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam. Đối mặt với tình trạng chuỗi cung ứng bị gián đoạn, thế giới chứng kiến nhiều sự thay đổi và cạnh tranh giữa các nước lớn, Nguyên Đại sứ Phạm Quang Vinh nhận thấy rằng Mỹ sẽ cần những địa điểm như Việt Nam để có được sự đảm bảo khi đặt quy trình sản xuất tại nơi đây. Kể từ năm 2021, Mỹ đã đẩy mạnh việc tái cơ cấu chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là chuỗi cung ứng bán dẫn bao gồm nhiều công nghệ thiết yếu tại Việt Nam, cho thấy triển vọng hợp tác sâu rộng hơn nữa giữa hai quốc gia.[17] Tháng 3 vừa qua, đoàn đại diện của hơn 50 tập đoàn lớn của Mỹ, bao gồm những cái tên nổi bật như SpaceX, Netflix và Boeing, đã đến Việt Nam trong một “nhiệm vụ lớn chưa từng thấy” để tìm kiếm thị trường đầu tư và kinh doanh, giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế Mỹ vào Trung Quốc. Động thái này được thúc đẩy do sự tiềm năng của Việt Nam, một quốc gia với số dân 100 triệu người cùng thị trường tiêu dùng tăng trưởng nhanh chóng do tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng.[18] Với vị trí chiến lược quan trọng ở Đông Nam Á, nằm ở ngã ba đường hàng hải của khu vực, việc nâng cấp quan hệ với Việt Nam sẽ giúp Mỹ củng cố vị thế của mình ở khu vực này, đồng thời đối trọng với Trung Quốc. Theo ông Carl Thayer, Mỹ mong muốn giúp Việt Nam tạo ra chuỗi cung ứng an toàn và linh hoạt cho chất bán dẫn và các sản phẩm điện tử có giá trị cao khác. Đồng thời, Mỹ cũng sẽ thúc đẩy cải cách môi trường pháp lý của Việt Nam để khuyến khích đầu tư của Mỹ.[19] Nguyễn Khắc Giang, nhà phân tích tại Viện ISEAS – Yusof Ishak Institute của Singapore đánh giá rằng Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương do vị trí tuyến đầu của quốc gia trong vấn đề Biển Đông, năng lực ngày càng tăng cũng như sự ngờ vực lịch sử của nước này đối với Trung Quốc.[20] Nhìn chung, việc nâng cấp quan hệ Việt Nam – Mỹ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện sẽ mở ra những cơ hội mới cho sự phát triển của quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực.

4. Nhân tố Trung Quốc

Cho tới nay, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với bốn nước bao gồm Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Hàn Quốc. Việc nâng cấp quan hệ ở mức độ cao nhất với Mỹ của Việt Nam cũng thu hút sự chú ý về việc Trung Quốc sẽ phản ứng như thế nào trước sự kiện mang tính lịch sử này. GS. Jonathan D. London, học giả nghiên cứu về lịch sử Việt Nam đương đại tại Đại học Leiden, Hà Lan cho rằng với sự gần gũi lâu dài về mặt địa lý, lịch sử, có cùng thể chế chính trị cũng như lĩnh vực kinh tế có ý nghĩa với nhau, chính sách đối ngoại của Việt Nam luôn được điều chỉnh cẩn thận để tránh tạo ra sự bất bình đối với Trung Quốc.[21]

Trung Quốc được cho là nhân tố gây trở ngại chủ yếu sau khi Mỹ và Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện do tính chất phức tạp trong quan hệ giữa Trung Quốc với hai quốc gia này. Ông Nguyễn Khắc Giang cho rằng Việt Nam phải cẩn thận để không khiến Trung Quốc cảm thấy Việt Nam nghiêng về phía Mỹ và cần phải thận trọng trong việc quản lý mối quan hệ với cả hai cường quốc.[22] Ông cũng cảnh báo rằng Trung Quốc có thể tăng cường các hoạt động gây hấn ở Biển Đông hoặc tác động thông qua kinh tế như một lời cảnh báo đến Việt Nam.[23] Hiện tại, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất và là nguồn hàng nhập khẩu quan trọng của Việt Nam. Tuy nhiên, hiện thực không thể phủ nhận rằng cuộc cạnh tranh thương mại Mỹ – Trung vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Đó có thể là một trong những lý do vì sao ông Lê Hồng Hiệp, vào tháng 3 vừa rồi, lập luận rằng chắc chắn Việt Nam muốn nâng cấp quan hệ với Mỹ nhưng điều đó khó có thể diễn ra trong năm nay khi được hỏi về khả năng nâng cấp quan hệ.[24] Chia sẻ quan điểm trên, TS. Hương Lệ Thu, trợ lý nghiên cứu tại CSIS ở Washington DC cho rằng Trung Quốc đã phản ứng bằng cách sử dụng ngôn ngữ cảnh báo các nước Đông Nam Á khỏi sự can thiệp từ bên ngoài, gửi vòi rồng, cử thêm phái đoàn trước chuyến thăm của ông Biden. Vì vậy, Việt Nam cần nhận thức rõ và cân nhắc nhiều vấn đề liên quan đến Trung Quốc trong khi tiếp tục hợp tác với Mỹ.[25]

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thế Phương, chuyên gia về Quốc phòng và An ninh hàng hải, Trung Quốc có thể sẽ không phản ứng quá mạnh khi Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ. Điều đó được thể hiện trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 10/2022 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.[26] Theo ông Jonathan Stromseth – nghiên cứu viên cao cấp ngành Đông Nam Á học tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Đông Á, đây là hành động thể hiện sự cố gắng cân bằng mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc của Việt Nam. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình sau Đại hội Đảng lần thứ 20 của nước này. Trong cuộc gặp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói với nhà lãnh đạo Trung Quốc rằng Việt Nam dành “ưu tiên hàng đầu” cho việc “phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc”.[27] GS. Carl Thayer cũng cho rằng việc nâng cấp này đã thể hiện mục đích không nhằm để “chống Trung Quốc” mà “vì hoà bình” như đã được đề cập trong tuyên bố chung của Việt Nam và Mỹ.[28] Cùng quan điểm, ông Nguyễn Hùng Sơn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam nhận định rằng thực chất quyết định nâng cấp quan hệ không phải là một hành động chọn phe hay xuất phát từ mục đích muốn ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực của Việt Nam. Việc nâng cấp quan hệ với Mỹ nằm trong chủ trương chính sách đối ngoại của Việt Nam hướng đến một trật tự thế giới đa cực, nơi Việt Nam tìm cách ổn định và làm sâu sắc hơn mối quan hệ của mình với tất cả các “cực” đó. Chỉ trong vài tháng gần đây, Việt Nam đã tuyên bố nâng cấp mối quan hệ với Hàn Quốc, Australia và Singapore. Mỹ không phải là quốc gia đầu tiên và cũng không phải là quốc gia cuối cùng trong chuỗi nâng cao quan hệ đối tác ngoại giao của Việt Nam. Vì vậy, có thể nói, mục đích cuối cùng của Việt Nam trong việc nâng cấp quan hệ ngoại giao với Mỹ là nhằm để củng cố mạng lưới các mối quan hệ, đồng thời nâng cao khả năng phục hồi và sức mạnh của Việt Nam trong một thế giới ngày càng bất ổn. Và nhu cầu đó không được dùng để ứng phó với bất kỳ mối đe dọa hay bất kỳ quốc gia cụ thể nào.[29] Đồng thời, ông Zachary Abuza, chuyên gia an ninh Đông Nam Á tại Đại học Chiến tranh Quốc gia ở Washington DC cũng thể hiện quan điểm cho rằng việc nâng cấp quan hệ là một nỗ lực của Việt Nam để chứng minh cho thế giới, bao gồm cả Trung Quốc, thấy rằng Việt Nam có một chính sách đối ngoại độc lập, đa phương và không phụ thuộc vào quốc gia nào.[30]

Quảng cáo

5. Kết luận

Như vậy, việc nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quan hệ hai nước. Đối với Việt Nam, điều này có thể giúp phục hồi kinh tế và thúc đẩy xuất khẩu sang Mỹ. Về mặt chính trị – ngoại giao, thông qua sự kiện đặc biệt này, Việt Nam khẳng định được vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc thực hiện đối ngoại với các nước không cùng thể chế chính trị, cùng với đó khẳng định đường lối đối ngoại đa phương, độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị.[31] Đối với Mỹ, quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với Việt Nam có ý nghĩa chiến lược trong bối cảnh thay đổi của chuỗi cung ứng toàn cầu và đối mặt với sự căng thẳng, cạnh tranh với Trung Quốc. Mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ trong tương lai nhìn chung sẽ có nhiều triển vọng hợp tác tích cực và phát triển hơn nữa sau sự kiện nâng cấp quan hệ này.


[1] Nghiên cứu quốc tế. (2023). Chuyên gia: VN nên nâng cấp quan hệ với Mỹ càng sớm càng tốt. https://nghiencuuquocte.org/2023/04/05/chuyen-gia-vn-nen-nang-cap-quan-he-voi-my-cang-som-cang-tot/

[2] GS. Carl Thayer trả lời trong báo cáo “President Biden to visit Vietnam: Scene better -6” vào ngày 7/9/2023

[3] Thanh Danh. (2023). Bước thay đổi góp phần đưa quan hệ Việt – Mỹ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện. VnExpress. https://vnexpress.net/buoc-thay-doi-gop-phan-dua-quan-he-viet-my-len-doi-tac-chien-luoc-toan-dien-4651541.html

[4] Lê Hiệp. (2023). Việt Nam – Mỹ trở thành đối tác chiến lược toàn diện. Báo Thanh niên. https://thanhnien.vn/viet-nam-my-tro-thanh-doi-tac-chien-luoc-toan-dien-185230910101527362.htm

[5] TTXVN. (2023). Toàn văn Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện. Báo Điện tử Chỉnh phủ Việt Nam. https://baochinhphu.vn/toan-van-tuyen-bo-chung-ve-nang-cap-quan-he-viet-nam-hoa-ky-len-doi-tac-chien-luoc-toan-dien-102230911170243626.htm

[6] Vy Vy. (2023). Sau nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, 3 lĩnh vực sẽ được ưu tiên hợp tác. VnEconomy. https://vneconomy.vn/sau-nang-cap-quan-he-len-doi-tac-chien-luoc-toan-dien-3-linh-vuc-se-duoc-uu-tien-hop-tac.htm

[7] Nhóm phóng viên. (2023). Tổng cầu thế giới giảm, doanh nghiệp Việt chồng chất khó khăn. VnEconomy. https://vneconomy.vn/tong-cau-the-gioi-giam-doanh-nghiep-viet-chong-chat-kho-khan.htm

[8] Anh Nhi. (2023). Vượt qua 6 “cơn gió ngược”, tăng trưởng GDP quý 2/2023 cao hơn quý 1/2023. VnEconomy. https://vneconomy.vn/vuot-qua-6-con-gio-nguoc-tang-truong-gdp-quy-2-2023-cao-hon-quy-1-2023.htm

[9] Ngọc An. (2023). Việt – Mỹ là Đối tác chiến lược toàn diện, nền kinh tế hưởng lợi gì?. Báo Tuổi trẻ. https://tuoitre.vn/viet-my-la-doi-tac-chien-luoc-toan-dien-nen-kinh-te-huong-loi-gi-20230910212932527.htm

[10] Reuters. (2023). US Treasury’s Yellen sees Vietnam as key partner in ‘friend-shoring’ supply chains. https://e.vnexpress.net/news/business/economy/us-treasury-s-yellen-sees-vietnam-as-key-partner-in-friend-shoring-supply-chains-4632144.html

[11] Phương Anh & Anh Minh. (2023). https://e.vnexpress.net/news/business/economy/vietnam-sees-improved-us-relations-as-golden-opportunity-4652900.html. Vn Express.

[12] Giang, N. K. (2023). U.S.-Vietnam Relations: Ready for a Strategic Partnership. Fulcrum.. https://fulcrum.sg/u-s-vietnam-relations-ready-for-a-strategic-partnership-upgrade/

[13] Giang, N. K. (2023). Nđd

[14] Nhóm phóng viên. (2023). Việt – Mỹ nâng cấp quan hệ lên tầm Đối tác chiến lược toàn diện. Báo Pháp Luật. https://plo.vn/viet-my-nang-cap-quan-he-len-tam-doi-tac-chien-luoc-toan-dien-post750828.html

[15] Phương Anh & Anh Minh. (2023). Nđd

[16] Vy Vy. (2023). Nđd

[17] Phương Anh & Anh Minh. (2023). Nđd

[18] Guarascio, F. (2023). SpaceX, Netflix, Boeing to join “biggest-ever” US business mission to Vietnam. Reuters. https://www.reuters.com/business/spacex-netflix-boeing-join-biggest-ever-us-business-mission-vietnam-2023-03-17/

[19] Pham, B., & Murray, B. (2023). US, Vietnam seek comprehensive strategic partnership amid China’s clout, polarised world. South China Morning Post. https://www.scmp.com/week-asia/politics/article/3233632/us-vietnam-seek-comprehensive-strategic-partnership-amid-chinas-clout-polarised-world

[20] Giang, N. K. (2023)

[21] https://thediplomat.com/2023/09/a-new-era-is-dawning-in-u-s-vietnam-relations/

[22] Giang, N. K. (2023)

[23] Tatarski, M. (2023). China concerns drive historic upgrade in US-Vietnam relations. The Guardian. https://www.theguardian.com/us-news/2023/sep/12/china-concerns-drive-historic-upgrade-in-us-vietnam-relations

[24] Guarascio, F. (2023). Reuters. Vietnam may resist diplomatic upgrade with Washington as U.S.-China tensions simmer. https://www.reuters.com/world/asia-pacific/vietnam-may-resist-diplomatic-upgrade-with-washington-us-china-tensions-simmer-2023-03-23/

[25] Tatarski, M. (2023). Nđd

[26] https://nghiencuuquocte.org/2023/04/05/chuyen-gia-vn-nen-nang-cap-quan-he-voi-my-cang-som-cang-tot/

[27] https://www.brookings.edu/articles/a-window-of-opportunity-to-upgrade-us-vietnam-relations/

[28] https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-66783956

[29] Nguyen, S. H. (2023). The US-Vietnam Comprehensive Strategic Partnership Is Not All About China. The Diplomat. https://thediplomat.com/2023/09/the-u-s-vietnam-comprehensive-strategic-partnership-is-not-all-about-china/

[30] Pham, B., & Murray, B. (2023). Nđd

[31] BBC News Tiếng Việt. (2023). Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ là ‘thắng lợi kép’ cho Đảng Cộng sản VN. https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cl7zzy7rnqko

Từ khóa:

tin tức liên quan