TP.HCM tháo gỡ vướng mắc cho 44 dự án bất động sản

Nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản, UBND TP.HCM cho biết đang có những biện pháp tích cực để tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản của doanh nghiệp trên địa bàn…

Báo cáo về tình hình tháo gỡ khó khăn của các dự án bất động sản, UBND TP.HCM cho biết, tính đến đầu tháng 11/2023, trong tổng số 189 kiến nghị tại 148 dự án đang gặp vướng mắc, thành phố chỉ đạo các sở, ngành giải quyết được 52 kiến nghị tại 44 dự án.

Cụ thể, UBND thành phố đồng ý cho chủ trương bán 50% sản phẩm căn hộ tại Dự án Shizen Home của Gotec Land ở quận 7; Dự án Celadon City của Gamuda Land ở quận Tân Phú; Dự án The Metropole của Quốc Lộc Phát ở TP. Thủ Đức. Tháo gỡ vướng mắc về điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Dự án Metro Star của CT Group ở TP. Thủ Đức…

Đối với các kiến nghị tháo gỡ vướng mắc dự án bất động sản do doanh nghiệp trực tiếp gửi UBND TP.HCM hay do Tổ công tác tháo gỡ vướng mắc của Chính phủ chuyển đến, đa phần đều nằm trong 189 kiến nghị tại 148 dự án mà Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) đã tổng hợp, kiến nghị UBND thành phố thời gian qua.

Đối với 30 kiến nghị tại 30 dự án liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục rà soát, đẩy nhanh tiến độ giải quyết theo chương trình giám sát của HĐND TP.HCM.

Quảng cáo

TP.HCM đã chia các kiến nghị thành 05 nhóm để giải quyết, trong đó nhóm 01 là vướng mắc thủ tục đầu tư (48 dự án, 71 kiến nghị); nhóm 02 là vướng mắc do thanh tra, điều tra, rà soát pháp lý (21 dự án, 22 kiến nghị); nhóm 03 là vướng đất công, doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa (15 dự án, 21 kiến nghị); nhóm 04 là nhóm các sở, ngành đã có văn bản giải quyết (44 dự án, 52 kiến nghị) và nhóm 05 là nhóm các dự án đã xây dựng hoàn thành, vướng mắc về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (30 dự án, 30 kiến nghị).

Trong thời gian tới, UBND TP.HCM sẽ tập trung giải quyết cho nhóm 01 và nhóm 05 (36 dự án, 43 kiến nghị), còn lại thành phố sẽ theo dõi, tiếp tục xử lý khi có kết luận/bản án có hiệu lực pháp luật hay sau khi có ý kiến của bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Đối với các dự án do Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ chuyển đến TP.HCM đề nghị xem xét, giải quyết gồm 70 kiến nghị của 70 dự án, UBND thành phố đã tổ chức họp và xem xét khoảng 31 kiến nghị, trong đó có một số dự án UBND TP.HCM đã tổ chức họp tháo gỡ, họp Ban Cán sự đảng UBND thành phố và đã cơ bản tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Trước đó, HoREA đã kiến nghị Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền của Trung ương sớm xem xét có kết luận dứt điểm các dự án sử dụng quỹ đất có nguồn gốc đất công, hoặc do cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, hoặc do di dời cơ sở sản xuất ô nhiễm đã bị dừng triển khai từ năm 2017 đến nay do phải thực hiện công tác rà soát pháp lý, trong đó TP.HCM có 64 dự án.

Về tình hình thị trường bất động sản TP.HCM trong 11 tháng đầu năm 2023, theo Sở Xây dựng TP.HCM, nguồn cung nhà ở tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước, với 16 dự án nhà ở thương mại được thông báo đủ điều kiện để bán, cho thuê mua sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai, với 16.063 căn được đưa ra thị trường (gồm 14.810 căn hộ chung cư và 1.253 căn nhà thấp tầng). Trong đó, phân khúc cao cấp có 11.012 căn và phân khúc trung cấp 5.051 căn, không có nhà ở thuộc phân khúc bình dân.

Theo nhận định của JLL Việt Nam, trong vòng 10 năm trở lại đây, thị trường bất động sản TP.HCM có tỷ lệ tăng trưởng lũy kế hàng năm là 11,8% theo năm trong bối cảnh nguồn cung dẫn dắt nhu cầu. Điều này đã khiến giá căn hộ ở thị trường sơ cấp bình quân đạt mức 2.927 USD/m2 (68 triệu đồng/m2). Quỹ đất ngày càng khan hiếm, ít dự án ra hàng cũng góp phần vào xu hướng tăng giá bán căn hộ.

Từ khóa:

tin tức liên quan

Trong phiên giao dịch sáng ngày 3/5, cổ phiếu BVH của Tập đoàn Bảo Việt tiếp tục giảm sàn xuống 76.700 đồng/cp, dư bán sàn gần 1,6 triệu đơn vị và trắng bên mua.

Thứ hai, 04/12/2023