CEO JPMorgan: Thế giới cần chuẩn bị cho kịch bản Fed tăng lãi suất lên 7%

Theo Jamie Dimon, NHTW Mỹ vẫn chưa kết thúc lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ và nền kinh tế nước này còn đối mặt với nhiều mối rủi ro lớn.

CEO JPMorgan, Jamie Dimon, mới đây đã đưa ra lời cảnh báo với Phố Wall: Cục Dự trữ Liên bang (Fed) còn lâu mới kết thúc lộ trình tăng lãi suất trong cuộc chiến chống lạm phát hiện tại.

Hầu hết các nhà phân tích cho rằng, NHTW sẽ chỉ tăng lãi suất thêm 1 lần nữa vào tháng 11, thêm 0,25 điểm phần trăm từ phạm vi hiện tại là 5,25% - 5,50%. Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg, ông Dimon cho biết, có thể, Fed sẽ tăng lãi suất thêm 1,5% nữa, lên 7%.

Theo đó, đây sẽ là mức lãi suất tham chiếu cao nhất kể từ tháng 12/1990. Vào đầu tháng 3/2020, khi lộ trình thắt chặt chính sách chỉ mới bắt đầu, phạm vi lãi suất là 0,25% - 0,50%.

Ngoài ra, trong cuộc phỏng vấn sau đó với Times of India, CEO của JPMorgan tiếp tục nhắc lại bình luận của mình khi nói rằng thế giới vẫn chưa “chuẩn bị tinh thần” cho mức lãi suất 7%.

Bình luận của ông Dimon lại phần nào trái ngược với những gì thị trường mong đợi. Theo dự báo mới nhất của Fed, các quan chức NHTW cho rằng chỉ còn một đợt tăng lãi suất trong năm nay và có thể sẽ hạ lãi suất vào năm tới.

Song, CEO của ngân hàng lớn nhất nước Mỹ cho rằng thị trường cần chuẩn bị tinh thần cho việc lãi suất tăng cao. Khi các thành viên HĐQT của ngân hàng hỏi rằng liệu lãi suất câu có thực sự lên cao đến vậy hay không, câu trả lời của ông Dimon luôn là “có”.

Quảng cáo

Dimon nói thêm rằng, ông đến nay chưa thể dự đoán tác động của lãi suất 7% đối với nền kinh tế. Ông cho biết: “Chúng ta có thể đạt mục tiêu ‘hạ cánh mềm’, có một cuộc suy thoái nhẹ hoặc cũng có thể là một cuộc suy thoái sâu sắc hơn.”

Trong khi đó, mức lãi suất 7% cũng có thể khiến chi tiêu tiêu dùng và đầu tư kinh doanh giảm sút, từ đó khiến tăng trưởng kinh tế chậm lại. Dimon nhận định rằng có rất nhiều hậu quả tiêu cực có thể xảy ra, nhưng kịch bản tồi tệ nhất sẽ là lạm phát đình trệ, khi tăng trưởng tiền lương thấp và lãi suất cao.

Trong suốt 16 tháng qua, Fed đã tăng lãi suất nhằm hạ nhiệt nền kinh tế Mỹ tăng trưởng bùng nổ và kiểm soát giá cả tăng cao. Song, nền kinh tế lớn nhất thế giới đến nay vẫn ở trạng thái tương đối “mạnh mẽ”.

Ông Dimon nói: “Người tiêu dùng vẫn có khả năng chi tiêu tốt. Họ vẫn đang tiêu tiền và có nhiều tiên hơn trước thời kỳ Covid.”

Song, ông vẫn chỉ ra 2 “đám mây bão” bất thường đang ẩn hiện.

Đầu tiên là chi tiêu của chính phủ. Chi tiêu của chính phủ Mỹ đang ở mức cao nhất từ trước đến nay và mức thâm hụt là rất lớn. Theo ông, chi tiêu tài chính dài hạn cũng có thể là nguyên nhân gây lạm phát phát và phần nào đẩy lãi suất lên cao hơn.

Yếu tố thứ 2 là căng thẳng địa chính trị gia tăng. Theo ông Dimon, mâu thuẫn Nga - Ukraine gây ảnh hưởng đến tất cả các mối quan hệ toàn cầu, bao gồm cả thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Mỹ rất khó để cải thiện mối quan hệ với Trung Quốc cho đến khi xung đột Nga - Ukraine kết thúc.

Tham khảo CNN

Nguồn: CafeF
Từ khóa:

tin tức liên quan

Trong phiên giao dịch sáng ngày 3/5, cổ phiếu BVH của Tập đoàn Bảo Việt tiếp tục giảm sàn xuống 76.700 đồng/cp, dư bán sàn gần 1,6 triệu đơn vị và trắng bên mua.

Thứ tư, 13/12/2023