Khối ngoại bán ròng liên tiếp 8 tháng trên HOSE, VHM và MWG bị bán nhiều nhất

Trong tháng 11, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 3.856 tỷ đồng trên sàn HOSE, trong đó 1.988 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh. Đây là tháng rút ròng thứ 8 trên HOSE, với giá trị lũy kế gần 14.500 tỷ đồng từ đầu năm.

Thị trường chứng khoán Việt Nam hồi phục trong tháng vừa qua. VN-Index đóng cửa tháng 11 tại 1.094,13 điểm, tăng 6,41% so với cuối tháng 10. Giá trị giao dịch bình quân phiên trên toàn thị trường đạt 17.363 tỷ đồng, tăng 12,2% so với mức bình quân tháng trước.

Tỷ trọng phân bổ dòng tiền giảm về mức đáy 10 tháng ở các ngành ngân hàng, xây dựng, thực phẩm, dầu khí, ... trong khi tăng mạnh ở ngành bất động sản, thép. Cổ phiếu nhóm chứng khoán và bán lẻ có tỷ trọng giao dịch gần như không thay đổi.

Trong diễn biến tích cực của thị trường, dòng tiền ngoại tiếp tục gia tăng áp lực bán. Thống kê cho thấy, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng tháng thứ 8 liên tiếp trên HOSE, lũy kế bán ròng gần 14.500 tỷ đồng kể từ đầu năm.

ui-20231201131531207.png

NĐT nước ngoài bán ròng tháng thứ 8 liên tục. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Trong tháng 11, nhà đầu tư nước ngoài rút ròng 3.856 tỷ đồng trên sàn HOSE, trong đó 1.988 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh. Thống kê giao dịch chi tiết theo từng mã, cổ phiếu VHM của Vinhomes dẫn đầu với quy mô 1.960,9 tỷ đồng. Mặc dù chịu áp lực bán, cổ phiếu của Vinhomes tăng 5,3%, đóng cửa tháng ở 41.300 đồng/cp.

Đứng ở vị trí thứ hai trong Top10 bán ròng là cổ phiếu MWG của Thế giới Di động với quy mô lên tới 1.501 tỷ đồng. Đây cũng là mã bị khối ngoại xả ròng mạnh nhất trong tháng trước đó.

Giao dịch rút vốn những tháng gần đây của khối ngoại khiến tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại MWG giảm sâu, từ mức tối đa 49% đã giảm về ngưỡng 44,35% tại thời điểm cuối phiên 30/11. Hiện tượng hở "room" từng hiếm thấy ở cổ phiếu của nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam.

Trong quá khứ MWG là cổ phiếu rất được nhà đầu tư nước ngoài ưa thích, thường nằm nửa trên trong Top10 mã có tỷ trọng lớn nhất trong danh mục đầu tư của các tổ chức. Áp lực bán lớn, cổ phiếu của ông lớn ngành bán lẻ giảm gần 10% so với cuối tháng 10, còn 38.500 đồng/cp.

Ngoài hai mã trên, nhà đầu tư nước ngoài rút vốn khỏi nhiều bluechip như MSN (639,2 tỷ đồng), VPB (553,2 tỷ đồng), VIC (393,4 tỷ đồng), POW (200,8 tỷ đồng), HDB (196,2 tỷ đồng). Chứng chỉ quỹ ETF nội SSIAM VNFin Lead (FUESVFL) bị bán ròng hơn 1.100 tỷ đồng.

Quảng cáo
untitledmp-20231201130339370.png

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu DGC của Hóa chất Đức Giang được nhà đầu tư nước ngoài mua mạnh nhất với giá trị 622,9 tỷ đồng trong tháng 11. Đứng ở vị trí thứ hai là mã SSI của Chứng khoán SSI với quy mô 364,1 tỷ đồng.

Cổ phiếu thép cũng được dòng tiền ngoại chú ý trong tháng vừa qua. Ba mã HPG, NKG, HSG nằm trong top mua vào với quy mô giải ngân lần lượt 359,1 tỷ, 297,5 tỷ và 198,8 tỷ đồng.

Kế đó, dòng tiền của khối ngoại còn tìm đến nhiều đại diện thuộc nhóm ngân hàng, bất động sản, dầu khí như STB (273,5 tỷ đồng), NLG (221,9 tỷ đồng), PVD (160,4 tỷ đồng), PC1 (149,7 tỷ đồng) và GAS (115,9 tỷ đồng).

Trên HNX, NĐT nước ngoài tiếp tục mua ròng hơn 240 tỷ đồng trong tháng 11. Trong đó, cổ phiếu SHS của Chứng Khoán Sài Gòn Hà Nội dẫn đầu với quy mô 281,7 tỷ đồng. Dòng tiền ngoại cũng phân bổ vào các cổ phiếu như IDC (85,4 tỷ đồng), PVS (23,6 tỷ đồng), HUT (14,2 tỷ đồng), EVS (2,9 tỷ đồng).

Ở chiều ngược lại, giao dịch rút ròng chủ yếu tập trung ở cổ phiếu CEO với quy mô 83,7 tỷ đồng, kế đến là TIG (22,9 tỷ đồng), PVI (15,5 tỷ đồng), MBS (9,9 tỷ đồng), TNG (7,7 tỷ đồng).

hnx1l-20231201130354497.png

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Tại thị trường UPCoM, khối ngoại quay đầu bán ròng hơn 130 tỷ đồng. Cổ phiếu VEA của Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam – CTCP vẫn là tâm điểm bán ròng với gần 148 tỷ đồng. Theo sau đó, BSR bị rút ròng với giá trị 87 tỷ đồng.

Những mã khác trên UPCoM bị bán ròng có thể kể đến như QTP (20,6 tỷ đồng), ACV (20,1 tỷ đồng), GDA (5,4 tỷ đồng), ...

Ở bên mua, cổ phiếu VGV của Tổng Công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam - CTCP hút tiền ngoại với giá trị 59,9 tỷ đồng, bỏ xa các mã cùng chiều là TCI (34,4 tỷ đồng), MCH (32,1 tỷ đồng), MPC (15,8 tỷ đồng), VTP (7,8 tỷ đồng).

up-20231201130406969.png

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Từ khóa:

tin tức liên quan

Trong phiên giao dịch sáng ngày 3/5, cổ phiếu BVH của Tập đoàn Bảo Việt tiếp tục giảm sàn xuống 76.700 đồng/cp, dư bán sàn gần 1,6 triệu đơn vị và trắng bên mua.

Thứ hai, 04/12/2023