Doanh nhân linh hoạt tái thiết doanh nghiệp

Dịch bệnh Covid-19 qua đi để lại cho nền kinh tế nhiều “di chứng”. Trong bối cảnh khó khăn bộn bề, nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đã thích ứng nhanh với tình hình mới và kích hoạt tối đa công suất hoạt động để tái thiết doanh nghiệp trong vận hội mới. Nhâ

Bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng Giám đốc Công ty Phúc Khang Corporation:

Cho đi trong yêu thương

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp trở nên rất cấp thiết. Vì đất nước có "khỏe mạnh" thì cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp mới có điều kiện và môi trường lý tưởng để phát triển. Một nền kinh tế chỉ vận hành trơn tru và hiệu quả khi mọi mắt xích trong hệ sinh thái được khoẻ mạnh và an ổn.

3844_Ynh_1_Ba_LYu_ThY_Thanh_MYu_Cong_ty_Phuc_Khang.jpg

“Trong giai đoạn dịch bệnh này thì thực hành trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với đất nước là giải pháp và chiến lược lớn nhất. Đây là lúc doanh nhân, doanh nghiệp trao tặng hết khả năng của mình để san sẻ nỗi lo với chính quyền, đồng thời quan tâm, chăm lo đến từng người lao động, từng số phận trong xã hội, hơn cả tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận”, bà Mẫu chia sẻ.

Dưới góc độ của một doanh nhân thường xuyên thực hiện nhiều chương trình thiện nguyện trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, bà Mẫu cho rằng, tinh thần thiện nguyện, nghĩa cử cao đẹp là lời cam kết quan trọng của một công ty đối với đạo đức kinh doanh, đóng góp vào sự phát triển bền vững trong các khía cạnh kinh tế, xã hội để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động và gia đình họ, cộng đồng địa phương và xã hội nói chung.

Đồng thời, thời điểm dịch bệnh cũng là lúc các doanh nhân phải phát huy vai trò tiên phong của mình, không chỉ đóng góp vào việc phát triển sản xuất, kinh tế mà còn cần phải tham gia vào cuộc chiến chung, phòng, chống dịch bệnh Covid-19, bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân. Từ đó, tiến tới những giá trị nhân văn hơn, tạo nên một nền tảng văn hóa cho doanh nghiệp, phụng sự xã hội, mang hạnh phúc đến cho mọi người.

“Có thể nói, trong thử thách, nghịch cảnh, chúng ta nhìn thấy những ánh sáng lấp lánh của tình yêu thương và yêu thương một cách vô điều kiện, cho đi không cần báo đáp. Đó là những nghĩa cử cao đẹp mà chỉ những lúc cùng kiệt nhất chúng ta mới thấy được giá trị của dân tộc, nghĩa đồng bào rất tuyệt vời”, bà Mẫu cho biết thêm.

************************

Ông Phan Đình Quân, Giám đốc Công ty EZShipping:

Phát huy công nghệ trong xu thế mới

Trải qua các đợt dịch bệnh phần lớn doanh nghiệp chịu sự ảnh hưởng nặng nề, nhưng trong khó khăn chung thì cũng có những điểm mạnh được kích hoạt.

Trong đó, thấy rõ nhất có thể là hoạt động ứng dụng công nghệ, số hóa của doanh nghiệp. Cụ thể, dịch bệnh qua đi càng khiến cho việc ứng dụng công nghệ được ưu tiên tối đa trong mọi lĩnh vực. Là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, chúng tôi càng ý thức cao xu hướng công nghệ để tối ưu hóa hoạt động.

3951_Ynh_5_Ong_Phan_Yinh_Quan_Giam_YYc_Cong_ty_EZShipping.jpg

Năm 2018 đánh dấu những bước tiến đáng ghi nhận về việc ứng dụng công nghệ trong logistics, thể hiện qua việc gia tăng các giải pháp ứng dụng cục bộ, nhất là sự xuất hiện các giải pháp tổng thể có tính tích hợp hệ thống, ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Hiện có bốn mảng ứng dụng chính của các công nghệ mới. Xuất hiện nhiều nhất là các ứng dụng trong vận tải đường bộ thông qua tối ưu hóa năng lực phương tiện, hoạch định và kiểm soát tuyến đường, thời gian, lịch trình, nâng cao tỷ lệ khai thác.

Tiếp đó, mảng nổi trội thứ hai là giải pháp tự động hóa các kho hàng thương mại điện tử, chuyển phát nhanh, giao hàng chặng cuối.

Thứ ba, một số công ty sản xuất lớn như Tập đoàn Samsung cũng cho ra mắt những hệ thống điều hành kết hợp tự động hóa sản xuất với các nguyên tắc sản xuất tinh gọn, hoạt động rất hiệu quả. Cuối cùng, một số ít nhà bán lẻ trong nước đang triển khai ứng dụng kết hợp giữa hệ thống thông tin - tự động hóa - trí tuệ nhân tạo trong quản lý chuỗi cung ứng từ khâu thu mua tới khâu phân phối.

Tuy nhiên, trước xu hướng ứng dụng công nghệ rất rõ như vậy, nhưng lại có rất ít doanh nghiệp logistics trong nước chịu đầu tư và ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động của mình.

Có thể thấy, trình độ ứng dụng công nghệ thông tin trong các doanh nghiệp logistics Việt Nam còn ở mức độ thấp, nhất là trong hoạt động vận tải đường bộ hiện đang chiếm hơn 77% thị phần vận tải của toàn xã hội. Đây là một yếu tố khiến các doanh nghiệp không thể vận hành một cách có hiệu quả, cắt giảm chi phí và nâng cao chất lượng dịch vụ.

Trình độ ứng dụng công nghệ thông tin thấp có nhiều lý do, nhưng không thể bỏ qua vấn đề môi trường ứng dụng công nghệ thông tin của cả nền kinh tế. Các cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị cảng, hàng không, hãng tàu phải đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng kết nối với các chủ thể khác của thị trường để tạo ra môi trường công nghệ thông tin, từ đó làm động lực cho các doanh nghiệp khác triển khai công tác tin học hóa hoạt động quản lý.

Ảnh hưởng của dịch bệnh khiến phần lớn doanh nghiệp phải kích hoạt chế độ làm việc online, kéo theo đó các ứng dụng công nghệ tiên tiến khác cũng có sự vào cuộc quyết liệt hơn từ các nhà điều hành doanh nghiệp. Và tôi tin rằng đó là một tiền đề cho sự thích ứng và thay đổi của doanh nghiệp Việt Nam trong các năm tiếp theo.

************************

Bà Nguyễn Hương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bất động sản Đại Phúc Land:

Sẵn sàng nguồn lực phục hồi sau dịch

Trong năm 2021 hoạt động của Công ty gần như bị ngưng trệ nhiều mặt. Quý 3/2021 mảng công trường thi công phải dừng hoàn toàn, bộ phận quản lý và vận hành buộc phải làm việc việc theo phương châm “3 tại chỗ”, nhóm văn phòng cũng chuyển qua làm việc online tại nhà.

Quảng cáo

Nhận định dịch bệnh là vấn đề bất khả kháng, bà Hương cho rằng, các doanh nghiệp phải chủ động đối mặt và ứng phó với những thách thức trong thời kỳ dịch bệnh, vì đây là tình hình chung chứ không riêng gì các doanh nghiệp Việt Nam. Nhất là sau khi đã đối mặt với dịch Covid-19 trong năm 2020, sang năm 2021, đa số các doanh nghiệp đã có thái độ bình tĩnh hơn, có kịch bản dự phòng tốt hơn cũng như sức chống chịu mạnh hơn.

5046_Ynh_1_Ba_NguyYn_HYYng_Cong_ty_YYi_Phuc_Land.jpg

Đồng thời, trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tạo nên nhiều áp lực cho hệ thống kinh tế - xã hội, mỗi doanh nghiệp cần phải tự chủ, linh hoạt, tích cực giữ vững chỉ số tăng trưởng và tìm đường phát triển, chung tay vào việc thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

“Bản thân Đại Phúc Land có ảnh hưởng về mặt kế hoạch đầu tư, nhưng trong thời gian giãn cách xã hội Công ty đã tập trung các công tác chuẩn bị, củng cố nguồn lực. Sang quý 4/2021, Công ty đã nhanh chóng kích hoạt trở lại, hoạt động của Công ty đạt 90% so với trước dịch”, bà Hương cho biết.

Sang năm 2022, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ với doanh nghiệp lúc này rất cần thiết, đặc biệt là các biện pháp phòng, chống dịch phải mang tính ổn định để doanh nghiệp kịp xoay sở khi có biến động xảy ra, tránh trường hợp trở tay không kịp như đợt dịch thứ 4 vừa qua.

“Đối với riêng ngành bất động sản, từ lâu các vấn đề về pháp lý là vướng mắc lớn nhất. Hi vọng là sang năm 2022, Chính phủ sẽ có những điều chỉnh phù hợp để tháo gỡ những nút thắt về pháp lý cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản”, bà Hương cho biết.

************************

Ông Trần Triệu Vỹ, Tổng Giám đốc Công ty SGL:

Nỗ lực từ trong vùng xoáy dịch bệnh

Công ty chúng tôi hoạt động trong lĩnh vực thiết kế kiến trúc cảnh quan. Với giá trị mang lại những gam màu xanh cho cuộc đời, chúng tôi đã không ngừng nghiên cứu các xu hướng mới trong kiến trúc nội và ngoại thất.

Khi Công ty non trẻ vừa ra đời được vài năm thì dịch bệnh Covid-19 ập đến đã kéo chùn cả nền kinh tế. Hoạt động xây dựng nhà cửa, công trình cảnh quan cũng vì thế như đình trệ hẳn.

5136_Ynh_4_Ong_TrYn_TriYu_VY_TYng_giam_YYc_Cong_ty_SGL.jpg
 

Khi đợt giãn cách xã hội đầu tiên tại thành phố Hồ Chí Minh diễn ra, Ban điều hành Công ty chúng tôi đã họp khẩn và đưa ra chủ trương mới trong vùng xoáy đại dịch. Với phương châm “ngừng nhưng không nghỉ” đội ngũ gần trăm nhân viên đã kích hoạt chế độ làm việc online tại nhà.

Đội ngũ nghiên cứu và phát triển (R&D) còn hoạt động hết công suất; đội ngũ văn phòng hành chính - kế toán cũng hoạt động online để tìm ra các giải pháp thúc đẩy thu hồi công nợ hoặc ứng dụng công nghệ vào các hoạt động chuyên môn; thậm chí đội ngũ hoạt động ở công trường dù nghỉ hẳn nhưng bắt đầu mở ra các hoạt động học tập nghiên cứu các phương cách làm việc mới trên thế giới để mang lại hiệu quả và độ an toàn cao trên công trường…

Người ta luôn nói “trong cái rủi có cái may”, Công ty chúng tôi cũng từ phương châm đó và chuyển hướng cách làm mới để lùi một bước mà tiến xa hơn trong tương lai.

Theo tôi nghĩ dịch bệnh như một sự cảnh tỉnh mọi người sống chậm và quay lại những giá trị căn bản của cuộc sống thay vì quay cuồng với thường nhật. Bản thân doanh nghiệp, doanh nhân cũng như thế dịch bệnh đã giúp chúng tôi soi sáng bản thân để vực dậy những giá trị cốt lõi, những sức mạnh nội tại tưởng chừng bị mờ nhạt trong guồng quay thường nhật.

************************

Ông Phạm Văn Việt, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean:

Xem người lao động là máu thịt của Công ty

Dịch bệnh đã tạo ra nhiều thách thức lớn đối với toàn bộ xã hội, trong đó bao gồm cả những người lao động đang đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp. Vì thế, bản thân các doanh nghiệp cần phải chăm lo tới cuộc sống và sức khỏe của mỗi gia đình công nhân viên, góp phần bình ổn an sinh xã hội, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.

5217_Ynh_3_-_Anh_ViYt_ViYt_ThYng.jpg

“Tôi nghĩ rằng chỉ cần mỗi doanh nghiệp làm tốt trách nhiệm với nhân viên của mình là đã san sẻ phần nhiều gánh nặng với Chính phủ và địa phương, để dành nguồn lực, ngân sách Nhà nước giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn hơn và những người đang bị nhiễm Covid-19 cần phải điều trị lâu dài.

Trong hoạn nạn dịch bệnh các chủ doanh nghiệp càng thấu hiểu trọn vẹn hơn về giá trị của người lao động. Nếu ví doanh nghiệp như cơ thể sống thì công nhân, người lao động như là máu thịt”, ông Việt chia sẻ.

Nói về bài học kinh nghiệm từ doanh nghiệp của mình, ông Việt cho biết, trong thời điểm thành phố Hồ Chí Minh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ từ đầu tháng 5/2021, Công ty đã có những chính sách hỗ trợ kịp thời, triển khai biện pháp “3 tại chỗ”, đảm bảo 100% cán bộ nhân viên đều nhận lương đầy đủ, tăng khẩu phần ăn, tăng mức thưởng và tăng giờ làm việc nếu công nhân có nhu cầu.

Đồng thời, Việt Thắng Jean cũng đã lo lắng ổn định tâm lý, sức khỏe của người lao động bằng nhiều hoạt động, chính sách như thăm hỏi thường xuyên, động viên tinh thần, cung cấp thực phẩm, chích ngừa vắc xin, hỗ trợ những công nhân viên và gia đình điều trị miễn phí nếu bị nhiễm Covid-19… Những việc này nhằm giúp cho các công nhân viên ở lại Công ty làm việc không bị hoang mang, lo lắng trước tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn.

“Công ty hiện tại đang rất cần lao động ở các nhà máy tại Bình Dương và Đồng Nai. Sang năm nếu người lao động quay lại thì Công ty sẽ có rất nhiều phúc lợi tốt để đảm bảo cuộc sống của công nhân viên sau đợt dịch vừa qua. Trong đợt Tết Nguyên đán 2022, Công ty vẫn đảm bảo thưởng Tết cho công nhân viên có cống hiến tích cực cho Công ty trong thời điểm dịch bệnh phức tạp trong năm và luôn động viên họ vượt qua những khó khăn trước mắt”, ông Việt cho biết thêm.

Từ khóa:

tin tức liên quan