Mỹ rót tiền vào các startup, huy động mọi nguồn lực để đầu tư 562 tỉ đô la cho điện mặt trời

Cuộc đua của năng lượng tái tạo với nhiên liệu hóa thạch đang vào giai đoạn tăng tốc khi Mỹ và nhiều nước phát triển đưa ra những chiến lược mạnh mẽ nhất cho năng lượng tái tạo.

Trong những tháng gần đây, các công ty đầu tư lớn như TPG, Apollo Global Management và Paulson & Co. chạy đua rót tiền vào các công ty khởi nghiệp (startup) ở Mỹ đang phát triển pin thời lượng cao để giúp trữ năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời hiệu quả hơn.

Các công ty phát triển pin thu hút 4,9 tỉ đô la đầu tư

Không giống như pin ở xe điện hay điện thoại thông minh, vốn chỉ có thể  phát điện trong 4 tiếng liên tục, pin thời lượng cao có thể tích trữ điện nhiều hơn và phát điện lâu hơn, có thể lên tới vài ngày. Điều này cho phép khắc phục nhược điểm của năng lượng tái tạo là không thể sản xuất điện khi trời không có nắng và gió.

Pin thời lượng cao có thể tích trữ năng lượng tái tạo vào những ngày nắng to, gió nhiều và phát lại vào lưới điện khi nhu cầu khách hàng tăng lên, giúp giảm sự phụ thuộc vào nguồn điện được sản xuất bằng các nhiên liệu hóa thạch. Chúng cũng có thể được sử dụng làm nguồn điện dự phòng trong các biến cố thiên tai gây mất điện như bão, lụt.

Mot-trang-trai-dien-mat-troi_khong_lo_o_El_Centro_bang_California_My-_Anh_Reuters
Một trang trại điện mặt trời khổng lồ ở El Centro, bang California, Mỹ. Ảnh: Reuters

 

Trong giai đoạn 2021-2023, các công ty điện lực ở Mỹ dự kiến lắp đặt các hệ thống pin quy mô lớn có khả năng trữ 10 GW điện, cao gấp 10 lần công suất trữ điện trong năm 2019, theo một báo cáo của Cục Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA). Họ có thể lắp đặt công suất pin lớn như vậy một phần là nhờ chi phí pin trữ điện giảm mạnh 72% trong giai đoạn 2015-2019.

Hồi tháng 7, Bộ Năng lượng Mỹ đặt mục tiêu giảm 90% chi phí trữ năng lượng trong vòng 10 năm tới. Bộ trưởng Năng lượng Mỹ, Jennifer Granholm nói nhờ các hệ thống pin, Mỹ có thể đưa hàng trăm GW năng lượng sạch hòa vào lưới điện trong những năm tới.

Năng lượng tái tạo hiện chiếm 20% tổng sản lượng điện ở Mỹ so với mức đóng góp 60% của điện sản xuất từ khí tự nhiên và than.

Báo cáo của Bộ Năng lượng Mỹ, công bố hôm 8-9, cho biết dự kiến chỉ riêng điện mặt trời có thể đóng góp đến 40% tổng sản lượng điện của Mỹ vào năm 2035.

Tăng tỉ trọng của năng lượng tái tạo trong lưới điện là một phần quan trọng của bài toán phi carbon hóa. Điều này không chỉ giúp loại bỏ điện than từ lưới điện mà còn giúp xe điện sạc pin từ những nguồn năng lượng không phát thải khí nhà kính vào khí quyển.

Mối quan tâm pin trữ năng lượng tăng vọt trong năm qua. Theo dữ liệu của PitchBook, từ đâu năm đến nay, các công ty đầu tư vốn mạo hiểm đã đầu tư tổng cộng 4,9 tỉ đô la vào các công ty phát triển pin sạc trên toàn cầu. Dù vậy, các khoản đầu tư này có thể gặp rủi ro. Một số công nghệ có thể hấp dẫn trong phòng thí nghiệm nhưng lại không thể phát triển rộng rãi trong thực tế vì tính phức tạp của việc sản xuất các thiết bị cũng như chi phí cao của vật liệu dùng để sản xuất pin.

Đón đầu xu hướng tăng trưởng năng lượng bền vững

Gần đây, TPG đã đầu tư vào startup Form Energy, công ty đang phát triển một hệ thống pin có thể phát điện trong 150 tiếng liên tục.

Hồi tháng 8, startup phát triển pin trữ năng lượng Ambri, có trụ sở ở bang Massachusetts, cho biết đã huy động thành công 144 triệu đô la để thương mại hóa công nghệ trữ điện thời lượng dài và xây dựng một nhà máy sản xuất. Các nhà đầu tư góp vốn bao gồm tỉ phú Bill Gates, người đồng sáng lập Microsoft và tỉ phú John Paulson, Chủ tịch Công ty quản lý đầu tư Paulson & Co..

Donald Sadoway, kỹ sư hóa học làm việc ở Viện Công nghệ Massachusetts, người sáng lập Ambria nói, các nhà đầu tư đón nhận các công nghệ pin mới nhiệt tình hơn so với 10 năm trước đây khi ông mới lập công ty vì họ đánh giá cao nhu cầu trữ năng lượng.

Ambri được thành lập nhờ vốn hạt giống từ tỉ phú Bill Gates và Tập đoàn dầu khí Total (Pháp). Hệ thống pin của công ty này dựa vào một công nghệ kim loại lỏng mà Sadoway đã phát triển thành công trong phòng thí nghiệm. Không giống như pin lithium-ion có thể bị nóng lên và phát cháy, hệ thống pin của Ambri hoạt động hiệu quả hơn nhờ sức nóng và đòi hỏi vận hành ở nhiệt độ 400-537 độ C.

Hồi cuối tháng 8, startup pin trữ năng lượng Form Energy chốt vòng gọi vốn 240 triệu đô la bao gồm khoản đầu tư từ Quỹ Rise Fund của TPG.

Mateo Jaramillo, Giám đốc điều hành Form Energy, cho rằng chính sách bắt buộc các công ty điện lực phải sử dụng một tỉ trọng năng lượng sạch nhất định trong nguồn điện của họ ở các bang và chính quyền liên bang đã giúp các nhà đầu tư tự tin hơn về xu hướng phát triển bền vững của năng lượng tái tạo.

Trong những năm trước đây, không ít nhà đầu tư bị “cháy” các khoản đầu tư ở các công ty phát triển pin vì thất bại công nghệ hoặc do nhu cầu xe điện còn yếu. Giờ đây, các nhà đầu tư lớn đang rót tiền vào những startup pin trữ năng lượng đã thành lập lâu năm và đang mở rộng quy mô sản xuất.

Bên cạnh đó, các công ty quản lý tác vụ phức tạp của việc chuyển năng lượng đến và đi từ các hệ thống pin cũng đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư lớn. Hồi tháng 8, Công ty FlexGen Power Systems, chuyên cung cấp phần mềm quản lý hệ thống trữ năng lượng, cho biết đã nhận được cam kết đầu tư 150 triệu đô la từ Công ty Apollo Global Management.

Kelcy Pegler, Giám đốc điều hành FlexGen Power Systems, nói rằng các sự cố mất điện trên diện rộng do bão ở bang Texas và TP New Orleans trong năm nay càng làm gia tăng tính khẩn cấp của nỗ lực mở rộng các hệ thống trữ năng lượng.

Quảng cáo

Mỹ đề xuất huy động mọi nguồn lực để đầu tư 562 tỉ đô la cho điện mặt trời

Để mục tiêu sản xuất 44% tổng sản lượng điện từ năng lượng mặt trời vào năm 2050, Bộ Năng lượng Mỹ cho biết cần huy động nguồn lực công tư với tổng ngân sách 562 tỉ đô la để đầu tư phát triển nguồn năng lượng sạch này trong 30 năm tới.

Báo cáo của Bộ Năng lượng Mỹ (DOE), công bố hôm 8-9, cho biết Mỹ có thể sản xuất 37% tổng sản lượng điện từ năng lượng mặt trời vào năm 2035 và tỉ lệ này có thể lên 44% vào năm 2050 nếu Mỹ theo đuổi một chương trình làm việc đầy tham vọng để cắt giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Các báo cáo của DOE là nền tảng để định hướng chính sách liên bang đối với ngành điện mặt trời.

Anh-bai-1-2
Một đơn vị pin (bao gồm 432 viên pin nhỏ) với công suất 20 KWh của startup Ambri, có trụ sở ở bang Massachusetts, Mỹ. Ảnh: Wbur

 

Theo DOE, điện mặt trời mới chỉ chiếm 3% trong cơ cấu sản lượng điện của Mỹ, do vậy cần phải được đầu tư mạnh mẽ nếu Mỹ muốn loại bỏ khí nhà kính từ ngành công nghiệp sản xuất điện. Để tỉ lệ này lên mức 44% vào năm 2050, báo cáo của DOE cho rằng cần phải huy động nguồn lực nhà nước và khu vực tư nhân để đầu tư tổng công 562 tỉ đô la cho điện mặt trời trong giai đoạn 2020-2050.

Bộ trưởng DOE, Jennifer Granholm nhấn mạnh lợi ích của sự chuyển đổi sang năng lượng sạch vượt trội so với chi phí.

Bà nói: “Các nghiên cứu cho thấy thực tế rằng điện mặt trời, nguồn năng lượng rẻ nhất và tăng trưởng nhanh nhất của chúng ta, có thể sản xuất đủ lượng điện để phục vụ nhu cầu của tất cả hộ gia đình ở Mỹ vào năm 2035 và giúp tạo 1,5 triệu việc làm trong quá trình phát triển nguồn năng lượng này”.

Báo cáo của DOE chỉ ra rằng đầu tư cho điện mặt trời và các nguồn năng lượng sạch khác với quy mô ngân sách như trên có thể mang lại lợi ích kinh tế 1.700 tỉ đô la, một phần là nhờ giảm chi phí y tế để điều trị các bệnh do môi trường ô nhiễm gây ra.

Tăng tốc phát triển ngành công nghiệp điện mặt trời là một trọng tâm trong chương trình nghị sự của Tổng thống Joe Biden. Trong quá trình vận động tranh cử tổng thống, ông cam kết tái định hình ngành điện để chấm dứt hẳn sử dụng các nhiên liệu phát thải khí nhà kính trong ngành này vào năm 2035. Ông cũng xem việc phát triển điện mặt trời và điện gió sẽ là nguồn quan trọng tạo ra việc làm mới.

Tiềm năng lớn, rào cản cũng lớn

Trong một báo cáo khác, Ngân hàng đầu tư Evercore ISI gọi cuộc chuyển đổi sang năng lượng mặt trời là một nhiệm vụ đầy thách thức, đòi hỏi trong 4 năm tới, Mỹ phải tăng gấp đôi công suất lắp đặt điện mặt trời mỗi năm sao với năm 2020.

Các nhà phân tích của ngân hàng này cho rằng lưu ý rằng bất kỳ kế hoạch chi tiêu ngân sách nào để phát triển điện mặt trời cũng đối mặt với tiến trình đàm phán chông gai tại Quốc hội Mỹ.

Tiềm năng của điện mặt trời là rất lớn nhưng các rào cản cũng lớn không kém. Ngành điện mặt trời phụ thuộc lớn và các nguyên vật liệu và tấm quang năng từ Trung Quốc, nước bị Mỹ cáo buộc sử dụng lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng điện mặt trời.

Chính phủ của ông Biden đã cấm nhập khẩu vật liệu sản xuất tấm quang năng từ Công ty Hoshine Silicon Industry Co. của Trung Quốc bị cáo buộc sử dụng lao động cưỡng bức ở Tân Cương và tiếp tục duy trì các biện pháp áp thuế trừng phạt lên các vật liệu điện mặt trời được áp dụng từ thời Tổng thống Donald Trump.

Các chủ đất ở những khu vực có nhiều nắng và gió ở Mỹ đang phản đối triển khai các dự án năng lượng sạch quy mô lớn trên đất của họ.

Chi phí tấm quang năng giảm cộng với chính sách trợ cấp của chính phủ đã thúc đẩy ngành điện mặt trời tăng trưởng ở Mỹ lẫn nước ngoài. Theo DOE, 25% công suất điện mặt trời ở Mỹ được lắp đặt trong năm 2020.

Năm nay, Mỹ có thể lắp đặt thêm 26 GW công suất điện mặt trời và con số này được dự báo sẽ đạt 33 GW vào năm 2023, theo báo cáo của hãng tư vấn năng lượng Wood Mackenzie và Hiệp hội ngành năng lượng mặt trời Mỹ (SEIA).

Michelle Davis, nhà phân tích của Wood Mackenzie, nói: “Ngành điện mặt trời của Mỹ rõ ràng đang tăng trưởng với tốc độ nhanh. Câu hỏi đặt ra là liệu tốc độ đó đã đủ để giúp Mỹ đạt mục tiêu phi carbon hóa trong ngành điện vào năm 2035 không?”,

Bà cho rằng giá cả đang đắt đỏ của vật liệu như thép, nhôm cùng với tình trạng khan hiếm bán dẫn và các biện pháp áp thuế trừng phạt Trung Quốc đang gây khó khăn cho chuỗi cung ứng điện mặt trời. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp sản xuất pin toàn cầu đang không theo kịp nhu cầu trữ điện trong ngành nặng lượng sạch.

Hôm 8-9, 748 công ty điện mặt trời đã gửi thư cho Quốc hội Mỹ để kêu gọi gia hạn và tăng tín dụng thuế đầu tư cho ngành điện mặt trời.

Abigail Ross Hopper, Giám đốc điều hành SEIA, cho biết tăng mạnh công suất lắp đặt điện mặt trời là điều có thể đạt được nhưng đòi hỏi phải có sự tiến triển lớn về chính sách.

Theo Wall Street Journal

Từ khóa:

Có thể bạn quan tâm

tin tức liên quan

Trong phiên giao dịch sáng ngày 3/5, cổ phiếu BVH của Tập đoàn Bảo Việt tiếp tục giảm sàn xuống 76.700 đồng/cp, dư bán sàn gần 1,6 triệu đơn vị và trắng bên mua.

Thứ tư, 06/12/2023