TS Vũ Duy Thức: Khát vọng xây startup kỳ lân trên đất Mỹ và ươm những hạt giống tốt nhất ở Việt Nam

"Sự lựa chọn của tôi là đầu tư vào những hạt giống tốt nhất để có thể nhanh nhất tạo nên sự thay đổi cho quốc gia…", Thức Vũ – founder Việt nổi tiếng tại Silicon Valley chia sẻ.

Từng sống và học tập nhiều năm tại Mỹ, điều gì ở giáo dục tại xứ sở cờ hoa khiến anh ấn tượng nhất và nó có khác nhiều với ở Việt Nam không?

Giáo dục Mỹ cập nhật, đáp ứng tốt nhu cầu thực tế và hướng tới sự khai phóng… Đó là điều rất nhiều người đã biết và công nhận. So với giáo dục ở Việt Nam, rõ ràng Mỹ vượt trội hơn hẳn ở những điểm ấy.

Nhưng không chỉ với Việt Nam, tôi nghĩ nền giáo dục ở bất cứ quốc gia nào cũng không thể thay đổi một sớm một chiều. Vậy thì mỗi người nên có trách nhiệm hành động, đóng góp điều gì đó để giúp cải thiện chất lượng giáo dục, giúp đất nước tiến lên. Có lẽ, ta nên hành động nhiều hơn để giúp đỡ học sinh, sinh viên - những người đang chịu thiệt thòi vì chưa được hưởng nền giáo dục tốt như nhiều nước phát triển khác - thay vì chỉ ngồi đó phán xét họ đang có những điểm yếu kém gì.

TS Vũ Duy Thức: Khát vọng xây startup kỳ lân trên đất Mỹ và ươm những hạt giống tốt nhất ở Việt Nam - Ảnh 1.

Tôi đã thấy anh hành động rồi, điển hình là thành lập quỹ Vietseeds ngay từ năm 2011. Với Vietseeds, anh kỳ vọng quỹ này sẽ tạo ra thay đổi gì để giúp ích cho nền giáo dục ở Việt Nam?

Khi thành lập quỹ này, điều tôi mong muốn là giúp các bạn sinh viên điều gì đó mà mình có thể làm được, có thể thực hiện tinh thần "give back" (đền ơn) và "pay it forward" (đền ơn tiếp nối). Tinh thần "pay it forward" nghĩa là nếu mỗi người được nhận điều tốt sẽ làm điều tương tự cho 3 người khác, thì trong vòng hai tuần, sẽ có hơn 4,7 triệu người được đón nhận và được làm việc thiện, và thế giới sẽ trở nên đẹp đẽ hơn.

Ở nước ta hiện nay cũng dần có rất nhiều hành động thiện nguyện dựa trên tinh thần này. Tôi chọn hỗ trợ, đào tạo sinh viên đại học vì muốn làm sao nhân rộng và nhanh nhất hiệu quả của những việc mình làm, tức là chọn đối tượng có nhiều năng lực và tiềm năng nhất để có thể sớm đáp đền tiếp nối.

Quỹ học bổng VietSeeds lựa chọn hỗ trợ các bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nhưng có tiềm năng phát triển, có tinh thần cầu tiến, khát vọng vượt khó và ý thức cộng động. Chúng tôi hỗ trợ tài chính (6.000 USD/ 4 năm), chú trọng đào tạo kỹ năng mềm, kết nối với các nhà cố vấn hướng dẫn (mentor), các doanh nghiệp và tạo điều kiện sinh hoạt cộng đồng, rèn cho sinh viên tinh thần cống hiến...

Với sự chuẩn bị đó, sinh viên có thể tìm được việc làm tốt, đáp ứng nhu cầu xã hội ngay sau khi tốt nghiệp. Và khi đã có những thành tựu nhất định thì đó chính là những hạt giống sẽ quay lại giúp ích cho đất nước.

Quỹ hiện được tổ chức với sự đồng hành của rất nhiều người giỏi tràn đầy tâm huyết, nguồn kinh phí đa phần được đóng góp từ các nhà hảo tâm cá nhân cùng một số công ty trong và ngoài nước. Tính đến đầu năm học 2019-2020, sau 8 năm hoạt động, VietSeeds đã trao học bổng cho hơn 500 sinh viên.

Nếu bạn hỏi VietSeeds có thể giúp ích gì cho nền giáo dục Việt Nam, thì cá nhân tôi tin rằng sự đóng góp sẽ không nằm ở số lượng hơn 500 sinh viên đã được hỗ trợ trực tiếp, mà còn lan toả nhiều điều tích cực tới cộng đồng, như là những tấm gương về sự nỗ lực và kiên trì.

TS Vũ Duy Thức: Khát vọng xây startup kỳ lân trên đất Mỹ và ươm những hạt giống tốt nhất ở Việt Nam - Ảnh 2.TS Vũ Duy Thức: Khát vọng xây startup kỳ lân trên đất Mỹ và ươm những hạt giống tốt nhất ở Việt Nam - Ảnh 3.

Với chất lượng đầu ra vượt trội, liệu những người đã tốt nghiệp theo học bổng của VietSeeds có thể là đối tượng tuyển dụng mà anh nhắm đến cho hoạt động kinh doanh của riêng mình không?

Làm kinh tế và làm việc xã hội là hai hoạt động hoàn toàn minh bạch và rõ ràng, tôi sẽ không vì lợi ích của một trong hai bên mà ảnh hưởng đến bên còn lại.

Quỹ VietSeeds thành lập từ năm 2011 nhưng phải mất 4 năm, chúng tôi mới có lứa sinh viên tốt nghiệp đại học đầu tiên. Chúng tôi cũng chưa từng dùng các phương tiện truyền thông quảng cáo nào để quảng bá về những việc chúng tôi đang làm. Những gì cộng đồng biết đến VietSeeds hiện nay hoàn toàn là "tự nhiên".

Nếu có người cho rằng việc VietSeeds chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ tạo tiền đề cho việc cạnh tranh bất bình đẳng về thu hút nhân tài với các công ty trong nước, thì thực ra, nếu nhìn một cách tích cực hơn, đây sẽ không phải cuộc cạnh tranh giữa công ty của tôi (ở nước ngoài) với các công ty trong nước, mà là cuộc cạnh tranh khốc liệt của các công ty trên thế giới trong bối cảnh toàn cầu hóa. Chúng ta cần nhìn nhận rằng khi người lao động có trình độ cao hơn, họ sẽ có quyền chủ động hơn trong việc lựa chọn nơi phát triển sự nghiệp.

TS Vũ Duy Thức: Khát vọng xây startup kỳ lân trên đất Mỹ và ươm những hạt giống tốt nhất ở Việt Nam - Ảnh 4.

Ngoài hoạt động của VietSeeds, tôi biết anh còn đồng thành lập tổ chức VietAI giúp Việt Nam phát triển trí tuệ nhân tạo. Sinh sống và làm việc tại Silicon Valley có giúp anh đóng góp nhiều hơn khi tham gia các dự án cộng đồng tại Việt Nam? Hay anh có nghĩ đến việc quay về nước kinh doanh, đóng góp nhiều giá trị trực tiếp hơn cho đất nước?

VietAI là dự án phi lợi nhuận nhằm phát triển cộng đồng nghiên cứu và thực hành trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam do tôi và Lương Minh Thắng (tiến sĩ AI Stanford, research scientist ở Google Brain) đồng thành lập.

Chúng tôi mong muốn kết nối các trường đại học và đối tác với mục đích đào tạo các lập trình viên có trình độ tầm cỡ quốc tế. Đội ngũ này sẽ là một phần không thể thiếu của cộng đồng phát triển các sản phẩm công nghệ cao tại Việt Nam. Tổ chức đang có các mentor là những người rất uy tín như Huyền Chíp, Kenneth Tran - kĩ sư nghiên cứu tại Microsoft, Phuong Hoang - người sáng lập GraphicsMiner Lab. Tuy nhiên, chúng tôi cũng cần tới sự quan tâm của các nhà đầu tư và những chính sách ưu đãi trong lĩnh vực này từ Chính phủ.

Quảng cáo

Những người như tôi có thể đóng vai trò kết nối các nguồn lực, là cầu nối giữa Silicon và Việt Nam, giúp chuyển giao kiến thức mới để giúp lĩnh vực công nghệ trong nước tiến xa hơn. Chẳng hạn việc kết nối với các doanh nghiệp nước ngoài, đưa những người ở thung lũng Silicon về Việt Nam trợ giảng, thỉnh giảng, tham gia các buổi talk chia sẻ kiến thức. Ví dụ như chương trình AI Summit 2019 vừa rồi, VietAI đã nỗ lực đưa các chuyên gia AI hàng đầu thế giới về đây chia sẻ kiến thức công nghệ cập nhật, tiên tiến nhất.

Tất nhiên, ở Việt Nam cũng đang có rất nhiều người làm điều tốt đẹp. Những người càng giỏi thì thường càng có nhiều khát khao cống hiến. Có thể chúng ta thấy hay chưa thấy mà thôi. Dẫu vậy, con đường để đóng góp cho đất nước của mỗi người một khác. Với tôi, sống và làm việc ở nước ngoài rồi "give- back" lại cho đất nước là sự lựa chọn phù hợp.

TS Vũ Duy Thức: Khát vọng xây startup kỳ lân trên đất Mỹ và ươm những hạt giống tốt nhất ở Việt Nam - Ảnh 5.TS Vũ Duy Thức: Khát vọng xây startup kỳ lân trên đất Mỹ và ươm những hạt giống tốt nhất ở Việt Nam - Ảnh 6.TS Vũ Duy Thức: Khát vọng xây startup kỳ lân trên đất Mỹ và ươm những hạt giống tốt nhất ở Việt Nam - Ảnh 7.

Ở tuổi 37 với 3 lần khởi nghiệp, 2 công ty đã được bán lại và 2 công ty đang trên đà phát triển, anh đặt cho mình mục tiêu sắp tới là gì?

Tôi khởi nghiệp khá sớm, từ khi còn là sinh viên và hiện vẫn đang tiếp tục làm startup với 2 công ty công nghệ chuyên về robot. Mục tiêu của tôi là hợp tác với nhiều công ty khác nhau trên thế giới để sản xuất robot cho các lĩnh vực riêng của các công ty này. Như vậy sẽ cùng một lúc phát triển nhiều thể loại robot với nhiều tính năng, ứng dụng khác nhau, đem trí tuệ Việt vươn xa và ảnh hưởng ra thế giới. Hiện nay, công ty cũng đang hướng về thị trường châu Á thay vì chỉ tập trung phát triển tại Mỹ.

Robot của chúng tôi đang được đánh giá rất tốt khi giúp người già cô đơn ở Mỹ, lớp người không thạo về công nghệ có thể trò chuyện video dễ dàng với người thân hàng ngày, tạo ra sự kết nối trong các gia đình buộc phải sống xa nhau ở Mỹ.

Khi nhận thấy sức phát triển của OhmniLabs, tôi mở ra Kambria để kết nối ba nhân tố chính của cuộc cách mạng công nghệ: nhà phát minh nhà sản xuất và người dùng. Nền tảng Sáng tạo mở (Open Innovation Platform) của Kambria sẽ kết nối trực tiếp các nhà nghiên cứu khoa học và các nhà đầu tư, rút ngắn khoảng cách giữa việc tìm kiếm quỹ tài trợ của các nhà khoa học và việc tìm nguồn công nghệ mới để rót vốn của các nhà đầu tư.

Ngoài ra, nền tảng này còn cho phép các nhà sáng chế hưởng những ưu đãi tài chính dựa trên mỗi đóng góp của họ, cho dù đó là một đoạn mã hay là một nhánh dữ liệu.

Mặc dù trụ sở của Kambria đặt tại Thung lũng Silicon song đội ngũ của công ty lại được xây dựng tại Việt Nam với hơn 20 thành viên, trong đó hơn một nửa là lập trình viên. Điều đó phần nào thể hiện mong muốn của tôi là thể hiện trí tuệ và sức ảnh hưởng, đóng góp của người Việt trên bản đồ thế giới. Tôi nghĩ nhiều người Việt cũng như vậy, họ không chỉ muốn đóng góp cho đất nước mà còn muốn phát triển điều tốt đẹp cho thế giới.

Có một câu nói của Chung Ju Yung (nhà sáng lập tập đoàn Hyundai) mà tôi rất tâm đắc đó là: "Khi doanh nghiệp còn nhỏ, doanh nghiệp đó là tài sản của bạn nhưng khi doanh nghiệp lớn lên, nó là của cải chung của toàn xã hội".

Câu nói ấy nếu nhìn rộng ra sẽ thấy là những tập đoàn đa quốc gia lớn, họ không chỉ là sức sống của một đất nước mà còn có ảnh hưởng, là tài sản chung của thế giới.

TS Vũ Duy Thức: Khát vọng xây startup kỳ lân trên đất Mỹ và ươm những hạt giống tốt nhất ở Việt Nam - Ảnh 8.

Vẫn miệt mài tìm kiếm thành công với khởi nghiệp ở tuổi này có mang đến cho anh thuận lợi hay thách thức gì không?

Tôi để ý rằng thành công trong khởi nghiệp cũng giống như tình yêu của các đôi lứa được đơm hoa kết trái bằng việc kết hôn (cười). Nói như vậy có nghĩa là rất khó để chúng ta so sánh sự thành công của các cá nhân đến sớm hay muộn so với người khác và cũng không có một thước đo nào chính xác để so sánh. Có người kết hôn năm 20 tuổi, có người 40 hoặc có người muộn hơn rất nhiều mới tìm thấy được nửa còn lại của mình.

Tôi nghĩ rằng mỗi người có một đồng hồ thời gian riêng, con đường khác nhau, cách làm khác đã dẫn đến những kết quả khác. Miễn sao ta luôn kiên trì với mục tiêu bám đích. Ngoài ra đối với bản thân tôi, thành công không chỉ đo bằng giá trị tài chính. Tôi chưa bao giờ nghĩ là mình sẽ trở thành tỷ phú (cười). Mỗi lần startup một công ty mới, tôi lại học thêm được những bài học mới. Miễn sao mình cố gắng học từ sai lầm đó và không lặp lại nó.

Khi khởi nghiệp, quan trọng nhất là phải có sự quyết tâm, kiên nhẫn nhất định. Ví dụ thời gian làm ở Katango - công ty khởi nghiệp đầu tiên - tôi đã phải mất 6 tháng loay hoay sau đó thay đổi, xây dựng một sản phẩm khác ngay từ ban đầu thì mới nhận được sự tiếp cận tốt từ người dùng. Sau 6 tháng, nó đã được Google đặt vấn đề mua lại.

TS Vũ Duy Thức: Khát vọng xây startup kỳ lân trên đất Mỹ và ươm những hạt giống tốt nhất ở Việt Nam - Ảnh 9.TS Vũ Duy Thức: Khát vọng xây startup kỳ lân trên đất Mỹ và ươm những hạt giống tốt nhất ở Việt Nam - Ảnh 10.TS Vũ Duy Thức: Khát vọng xây startup kỳ lân trên đất Mỹ và ươm những hạt giống tốt nhất ở Việt Nam - Ảnh 11.TS Vũ Duy Thức: Khát vọng xây startup kỳ lân trên đất Mỹ và ươm những hạt giống tốt nhất ở Việt Nam - Ảnh 12.

Tôi nghe nói dù rất bận nhưng sáng nào anh cũng dành thời gian để ngồi thiền?

Một ngày của tôi khá dài, từ 8h đến 24h đêm. Tôi thường bắt đầu buổi sáng bằng 1 giờ ngồi thiền để có năng lượng tích cực, đầu óc tỉnh táo, minh mẫn để giải quyết mọi việc với sự sáng suốt, không bị cảm xúc chi phối quá nhiều, ít bị nóng giận hay buồn vui.

Triết lý thiền có rất nhiều mảng nhưng có một vấn đề tôi rất tâm đắc đó là khi làm việc phải để tâm đến những người làm việc cùng mình, đến công việc, đến tình huống cụ thể. Có như vậy thì điều đó sẽ giúp mình hiểu người xung quanh, hiểu đối tác hơn và có những quyết định sáng suốt hơn.

Ngoài ra tôi cũng dành thời gian đi bơi lội, tập gym, thích chơi trượt tuyết và thích trượt từ những vách núi cheo leo, mạo hiểm. Với tôi, đó cũng như là một hình thức rèn luyện tính cách.

Nguồn: CafeBiz
Từ khóa:

Có thể bạn quan tâm

tin tức liên quan

Trong phiên giao dịch sáng ngày 3/5, cổ phiếu BVH của Tập đoàn Bảo Việt tiếp tục giảm sàn xuống 76.700 đồng/cp, dư bán sàn gần 1,6 triệu đơn vị và trắng bên mua.

Thứ tư, 22/11/2023