Tập đoàn Cao su trước lên sàn: Dồn dập nhận cổ tức từ công ty thành viên

Ngày 22/10, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (UPCoM: GVR) đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu lên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE).

Đến nay HoSE vẫn chưa có thông báo chấp thuận niêm yết cho GVR, do đó khả năng cao tập đoàn sẽ niêm yết vào năm sau và báo cáo tài chính kiểm toán năm 2019 sẽ là hồ sơ quan trọng cần được bổ sung.

Tập đoàn hiện có hệ thống đơn vị thành viên phức tạp bao gồm công ty mẹ, 8 văn phòng đại diện, 103 công ty con và 21 công ty liên kết. Theo đó, lợi nhuận và cổ tức được chia từ các đơn vị thành viên có đóng góp lớn vào hiệu quả kinh doanh của toàn tập đoàn.

Trong tháng 12, nhiều các đơn vị thành viên của GVR đồng loạt thông báo sẽ chi tạm ứng cổ tức, nguồn thu này sẽ có tác động đáng kể đến báo cáo kết quả kinh doanh năm 2019 của tập đoàn.

Phước Hòa, Đồng Phú, Nam Tân Uyên… chi lớn

Với hệ thống hơn 100 công ty con nhưng số lượng thành viên đang giao dịch trên sàn chứng khoán của Tập đoàn Cao su không nhiều, chưa thuộc diện phải công bố thông tin ra công chúng. Thống kê một số doanh nghiệp trên sàn cho thấy tập đoàn sắp nhận một lượng cổ tức rất lớn.

gvr-1-1899-1576141458.png

Vào 25/12 tới đây, Cao su Phước Hòa (HoSE: PHR) sẽ chốt danh sách cổ đông thực hiện tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2019 bằng tiền tỷ lệ 30%. Tập đoàn Cao su hiện là công ty mẹ nắm giữ gần 67% vốn Phước Hòa sẽ được nhận gần 271 tỷ đồng.

Đây là mức chi trả tiền mặt cao kỷ lục của Cao su Phước Hòa trong 1 đợt kể từ khi lên sàn chứng khoán. Trong các năm trước, công ty duy trì tỷ lệ chi trả khoảng 5 - 23% cho mỗi đợt, lần cao nhất là vào tháng 6/2018 với tỷ lệ 23%.

gvr-2-4595-1576141458.png

Không chỉ mang về nguồn thu cổ tức dồi dào (ghi nhận ở doanh thu tài chính), Phước Hòa khi hợp nhất vào báo cáo tài chính cũng giúp kết quả kinh doanh chung của tập đoàn tăng cao. Báo cáo 9 tháng cho thấy lợi nhuận gộp của PHR tăng 62% lên 289 tỷ đồng, doanh thu tài chính tăng 150% lên 136 tỷ đồng hay lợi nhuận khác 413 tỷ đồng đều được hợp nhất vào báo cáo của GVR.

Cao su Đồng Phú (HoSE: DPR) thông báo tạm ứng cổ tức năm 2019 bằng tiền mặt tỷ lệ 50%, ngày đăng ký cuối cùng vào 18/12. Với tỷ lệ sở hữu gần 60%, Tập đoàn Cao su sắp nhận về 120 tỷ đồng cổ tức. Đây cũng là mức trả cao nhất trong 1 lần của doanh nghiệp tại Bình Phước.

Kết quả kinh doanh của Đồng Phú lại có chiều hướng giảm. Doanh thu 9 tháng của công ty tăng 2% nhưng giá cao su diễn biến xấu và nguồn thu từ thanh lý cây cao su thấp khiến lãi sau thuế giảm 33% còn 118 tỷ đồng.

Mảng cao su khó khăn buộc Đồng Phú tính đến chuyện thu hẹp diện tích vườn cây từ 9.900 ha xuống còn 6.000 ha. Công ty cũng ráo riết chuyển đổi sang kinh doanh khu công nghiệp với diện tích dự kiến 1.500 ha trong tương lai, doanh nghiệp hiện có 2 khu công nghiệp Bắc Đồng Phú và Nam Đồng Phú đều đã gần lấp đầy.

Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (UPCoM: NTC) sắp tạm ứng cổ tức năm 2019 bằng tiền mặt tỷ lệ 50%. Hai cổ đông lớn chính là Cao su Phước Hòa và Tập đoàn Cao su sẽ nhận về lần lượt 26 tỷ và 16 tỷ đồng.

Quảng cáo

Mặc dù tỷ lệ lợi ích chỉ hơn 42% nhưng Tập đoàn Cao su vẫn có tỷ lệ biểu quyết trên 53% tại Nam Tân Uyên; do đó kết quả kinh doanh của khu công nghiệp này vẫn được hợp nhất vào tập đoàn. Lợi nhuận sau thuế 9 tháng của NTC ở mức gần 176 tỷ đồng, tăng 22% và đã vượt kế hoạch năm.

Tập đoàn Cao su có 21 công ty liên kết, nhóm công ty này sẽ không được hợp nhất vào báo cáo tài chính của GVR mà sẽ thể hiện ở khoản mục Lãi (lỗ) trong công ty liên doanh liên kết.

Đóng góp lợi nhuận lớn nhất nhóm liên kết là công ty Gỗ MDF VRG Dongwha với gần 195 tỷ đồng cho tập đoàn, tiếp sau là Đầu tư Sài Gòn VRG (UPCoM: SIP) và CTCP Thống Nhất (HNX: BAX), Cao su Bến Thành (HoSE: BRC)…

Báo cáo 9 tháng cho thấy lợi nhuận của SIP đạt 416 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ. Lợi nhuận của BAX gấp 3,7 lần cùng kỳ đạt 70 tỷ đồng nhờ tăng bán đất nền và cho thuê đất KCN Bàu Xéo. Lợi nhuận của Cao su Bến Thành tăng 20% lên 15,5 tỷ đồng.

gvr-4-2213-1576141459.png
BAX lãi lớn nhờ dự án KCN Bàu Xéo.

Ngoài ra, BAX vừa thông báo xin ý kiến cổ đông về việc chi trả cổ tức năm 2019 với tỷ lệ 50% bằng tiền (công ty đã quyết định tạm ứng trước 30% vào 20/12). Cao su Bến Thành tạm ứng 10%, giúp Tập đoàn Cao su nhận thêm 8 tỷ đồng cổ tức vào doanh thu tài chính.

GVR đẩy mạnh khu công nghiệp

Tập đoàn Cao su tiền thân là Ban Cao su Nam bộ và chính thức chuyển sang mô hình tập đoàn vào năm 2006 do Nhà nước nắm giữ 100% vốn. Đầu năm 2018, GVR cổ phần hóa nhưng chỉ bán được 1/5 lượng chào bán, hiện Nhà nước vẫn nắm giữ 96,77% vốn.

Cổ phiếu GVR bắt đầu lên sàn chứng khoán từ 21/3/2018 và là doanh nghiệp có vốn điều lệ lớn nhất sàn UPCoM. Nhờ công khai minh bạch hơn về doanh nghiệp đã giúp nhiều nhà đầu tư, cả nước ngoài chú ý đến cổ phiếu GVR.

Tập đoàn vạch rõ chiến lược kinh doanh vào 5 lĩnh vực cốt lõi, bao gồm: mủ cao su, sản phẩm từ cao su, khu công nghiệp, chế biến gỗ và nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó, đáng kể nhất là việc đẩy mạnh mảng kinh doanh khu công nghiệp nhiều tiềm năng, lợi nhuận cao với những đầu tàu như Nam Tân Uyên, Phước Hòa…

Tập đoàn đang tham gia đầu tư 17 khu công nghiệp trong đó trực tiếp quản lý, điều hành 12 khu với diện tích đất tự nhiên gần 6.000 hecta, đất thương phẩm cho thuê gần 4.400 ha. Định hướng giai đoạn 2021-2025, tập đoàn sẽ phát triển thêm 5.000-7.000 ha ở khu vực Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Tây Nguyên tùy thuộc vào kết quả làm việc với địa phương.

Báo cáo 9 tháng năm nay, GVR ghi nhận doanh thu thuần 12.948 tỷ đồng và lợi nhuận gộp 2.814 tỷ đồng. Với kết quả trên, doanh nghiệp mới hoàn thành được 56% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Mảng kinh doanh bất động sản và khu công nghiệp có doanh thu thuần 9 tháng đạt 765 tỷ đồng và là mảng lớn thứ 4 của tập đoàn. Dù vậy, biên lợi nhuận gộp cao nhất lên đến 56% giúp mảng này có lợi nhuận gộp hơn 429 tỷ đồng.

gv-3-4605-1576141459.png
Bất động sản, khu công nghiệp có biên lợi nhuận gộp đến 56%.

Quy mô tài sản của Tập đoàn Cao su vào khoảng 76.000 tỷ đồng, chủ yếu nằm ở tài sản cố định và chi phí xây dựng cơ bản dở dang chiếm hơn 64% tổng tài sản. Tập đoàn cũng duy trì một lượng tiền lớn với hơn 11.500 tỷ đồng.

Về nguồn vốn, Tập đoàn duy trì cấu trúc nợ an toàn với tổng vay nợ gốc là 12.225 tỷ đồng. Doanh thu chưa thực hiện của doanh nghiệp tăng 1.150 tỷ từ đầu năm lên thành 8.379 tỷ đồng, phần lớn là doanh thu cho thuê hạ tầng khu dân cư với giá trị 8.193 tỷ đồng.

Nguồn: Ndh
Từ khóa:

Có thể bạn quan tâm

tin tức liên quan

Trong phiên giao dịch sáng ngày 3/5, cổ phiếu BVH của Tập đoàn Bảo Việt tiếp tục giảm sàn xuống 76.700 đồng/cp, dư bán sàn gần 1,6 triệu đơn vị và trắng bên mua.

Thứ hai, 04/12/2023