Những bước đi mới của VinFast

Với ưu tiên cốt lõi là ôtô, Tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC) từng bước rút khỏi mảng bán lẻ, nông nghiệp, hàng không và mới đây nhất là điện thoại và tivi để tập trung mọi nguồn lực phát triển VinFast - đơn vị sản xuất xe máy, ôtô của tập đoàn.

Tháng 9/2017, VinFast khởi công tổ hợp nhà máy với công suất dự kiến lên tới 500.000 xe/năm vào năm 2025. Mục tiêu hướng tới là trở thành một trong những công ty xe điện thông minh hàng đầu thế giới.

Đầu năm nay, đơn vị giới thiệu mẫu ôtô điện đầu tiên (VF e34). Tính đến nay, “bộ sưu tập” các mẫu xe điện của VinFast gồm 3 mẫu ôtô điện (VF e34, VF e35 và VF e36), 1 mẫu xe buýt điện và 6 mẫu xe máy điện. Trước đó, hãng kinh doanh dòng xe ôtô động cơ xăng gồm 3 dòng chủ lực là Lux SA2.0, Lux A.20 và Fadil, bên cạnh mẫu xe cao cấp với số lượng giới hạn President.

Trong năm 2020, đơn vị sản xuất xe của Vingroup bán được tổng cộng 29.485 xe, bao gồm 18.016 xe Fadil, 6.013 xe Lux A2.0 và 5.456 xe Lux SA2.0. Lũy kế 7 tháng đầu năm, VinFast đã bán tổng cộng 19.720 xe, bao gồm 13.055 chiếc Fadil, 4.031 chiếc Lux A2.0 và 2.634 chiếc Lux SA2.0. Bên cạnh ba mẫu xe đang góp mặt trên thị trường, công ty cũng đã nhận được hơn 25.000 đơn đặt cọc mẫu ôtô điện đầu tiên VF e34, trong đó gần 10.000 đơn được thực hiện thông qua hình thức trực tuyến.

vinfast-kqkd-6341-1630989840.png
Ảnh: VinFast

Mẫu xe ôtô điện VF e34 đã nhận đặt hàng từ cuối tháng 3, dự kiến những chiếc xe đầu tiên sẽ lăn bánh cuối năm nay. Hai mẫu ôtô thông minh khác là VF e35 và VF e36 dự kiến sẽ mở bàn trên toàn cầu vào tháng 3/2022. Để hoàn thành kế hoạch này, hãng xe từng bước phát triển thị trường nội địa, cũng như mở rộng thị phần quốc tế.

Giữa tháng 7, VinFast thông báo chính thức đưa các chi nhánh tại Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Hà Lan vào hoạt động. Đây là 5 thị trường trọng điểm nằm trong kế hoạch mở rộng kinh doanh ngay từ những ngày đầu khởi nghiệp.

Bà Thái Thị Thanh Hải - Tổng giám đốc VinFast toàn cầu cho biết việc châu Âu và Bắc Mỹ công bố lộ trình cấm bán ôtô sử dụng động cơ đốt trong để chuyển sang ôtô điện là cơ hội để công ty chinh phục thế giới. Ông Jeremy Snyder - Giám đốc Phát triển thị trường của VinFast Mỹ cho rằng hãng có thể cạnh tranh sòng phẳng với những thương hiệu hàng đầu tại Mỹ hiện nay.

Song song với kế hoạch phát triển ở Bắc Mỹ và châu Âu, nhà sản xuất ôtô của Vingroup đang có động thái mở rộng kinh doanh tại khu vực Đông Nam Á, trước tiên là tại Indonesia.

Hãng vừa đăng ký bản quyền 6 mẫu xe trên cơ sở dữ liệu sở hữu trí tuệ của Indonesia, bao gồm 5 mẫu ôtô và một mẫu xe máy điện. Hai trong 5 mẫu ôtô đăng ký nhãn hiệu sở hữu trí tuệ được cho là VinFast Lux A2.0 và Lux SA2.0. 3 mẫu ôtô còn lại trong danh sách đều là ôtô điện.

vinfast-vf-e341-3306-1630989492.png
Mẫu xe ôtô điện đầu tiên VF e34 mở bán từ cuối tháng 3. Ảnh: VinFast

Con đường phát triển ôtô điện của Vingroup dự kiến sẽ “sáng” hơn khi Bộ Tài chính đề xuất mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với ôtô chạy pin sẽ bằng 50% mức thu đối với ôtô chạy xăng có cùng chỗ ngồi, tương đương khoảng 5-7,5%. Nếu được thông qua, chính sách này sẽ được áp dụng trong thời gian 5 năm kể từ ngày chính thức có hiệu lực.

Việc giảm lệ phí trước bạ với ôtô chạy pin sẽ khuyến khích người tiêu dùng sử dụng loại phương tiện này, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, ngành ôtô điện phát triển, hướng đến mục tiêu không chỉ cung ứng ôtô chạy pin cho thị trường trong nước mà còn xuất khẩu trong thời gian tới.

Trước khi có đề xuất giảm lệ phí trước bạ từ phía Bộ Tài chính, Vingroup từng đưa ra kiến nghị thí điểm ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ trong 5 năm với ôtô điện, trong một cuộc họp với lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành.

VinFast phát triển pin theo chiến lược “3 chân kiềng"

Bên cạnh mở rộng thị trường, VinFast cũng hợp tác với các tên tuổi đầu ngành công nghệ, công nghiệp ôtô… để nâng cao chất lượng sản phẩm. Mới đây, VinFast đã ký thỏa thuận hợp tác với Gotion High-Tech - doanh nghiệp sản xuất pin hàng đầu đến từ Trung Quốc để triển khai nghiên cứu, phát triển và sản xuất pin LFP. Đây là loại pin phổ biến nhất trên thị trường xe điện toàn cầu, với nhiều ưu điểm vượt trội như giá thành cạnh tranh, an toàn và tuổi thọ cao hơn các thế hệ pin truyền thống và phù hợp với các dòng xe trung bình.

Ngoài Gotion Hi-tech, hãng xe đã và đang đẩy mạnh hợp tác với nhiều đối tác đến từ Mỹ, Israel, Đài Loan… để nghiên cứu phát triển và khả năng ứng dụng sản xuất các công nghệ pin tiên tiến nhất.

Bên cạnh đó, Vingroup đã góp 51% vốn, để thành lập CTCP Giải pháp năng lượng VINES (VinES) – đơn vị chuyên sản xuất pin và ắc quy.

Quảng cáo

Về định hướng phát triển pin cho dòng xe điện, bà Lê Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch Vingroup từng chia sẻ với Báo Giao Thông rằng pin là một bộ phận quan trọng của xe điện, quyết định sự thành bại của cuộc cách mạng xanh nên Vingroup đã xác định chiến lược "3 chân kiềng" bao gồm: Mua pin từ các nhà sản xuất tốt nhất thế giới; hợp tác với các đối tác để sản xuất các pin tốt nhất thế giới và tự nghiên cứu, phát triển sản xuất pin.

Tại ĐHCĐ thường niên năm 2021, ông Phạm Nhật Vượng cũng cho biết mô hình kinh doanh của Vingroup trong thời gian tới sẽ là VinFast sản xuất ôtô, còn VinSmart sản xuất và cho thuê pin. Tập đoàn sẽ cho thuê pin và phí nạp điện bằng chi phí khách hàng trả cho xăng. Mọi chi phí bảo dưỡng pin đều do tập đoàn chịu trách nhiệm.

Để sẵn sàng cho việc vận hành xe ôtô thông minh vào cuối năm, VinFast đã đẩy mạnh lắp đặt trạm sạc pin tại các tỉnh thành trên cả nước. Tính đến 30/6, hãng đã lắp đặt 455 trạm với gần 11.000 cổng sạc trên 60/63 tỉnh thành.

Mẫu xe điện VinFast VF e36 chuẩn bị tấn công thị trường quốc tế. Ảnh: Xe Giao Thông
Mẫu xe điện VinFast VF e36 chuẩn bị tấn công thị trường quốc tế. Ảnh: Vinfast

Kế hoạch huy động 2 tỷ USD từ IPO tại Mỹ bị chậm

Về kế hoạch tài chính, VinFast hồi tháng 4 cho biết công ty cân nhắc chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) hoặc sáp nhập với công ty mua lại mục đích đặc biệt (SPAC) để niêm yết tại Mỹ.

Các nguồn tin nói đợt IPO có thể huy động ít nhất 2 tỷ USD. Reuters đưa tin hãng xe này muốn được định giá khoảng 60 tỷ USD và đã chỉ định Credit Suisse dẫn dắt thương vụ tiềm năng này. Các hãng xe điện hoặc có một bộ phận kinh doanh xe điện thường được định giá cao hơn hẳn các hãng kinh doanh ôtô chạy nhiên liệu thông thường.

Phương án ưu tiên hơn là thông qua SPAC để niêm yết tại Mỹ, theo các nguồn thạo tin. Tuy nhiên, quá trình đàm phán với các SPAC chưa có nhiều tiến triển về đề xuất thỏa thuận hay thời điểm niêm yết. Nguyên nhân là những bất ổn liên quan đến quy định quản lý SPAC ở Mỹ. Lộ trình về thương vụ chưa được thiết lập và các kế hoạch của công ty có thể thay đổi.

Khi được hỏi về khả năng kế hoạch bị trì hoãn, bà Lê Thị Thu Thủy – Phó Chủ tịch Vingroup nói VinFast vẫn đang thực hiện các thủ tục cần thiết để niêm yết tại Mỹ và sẽ có thông báo sau.

Do đang trong giai đoạn mở rộng đầu tư ban đầu, VinFast chịu lỗ trong năm 2019 và 2020 với tổng lỗ lũy kế 20.789 tỷ đồng.

vinfastkqkd-tiep-png-5768-1630989493.png
Đơn vị: tỷ đồng

Với số lỗ lũy kế trên và 38.707 tỷ đồng vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu còn gần 17.915 tỷ đồng tại cuối năm. Tuy nhiên, vào ngày 15/3, doanh nghiệp tăng vốn điều lệ lên 42.497 tỷ đồng theo dữ liệu từ Cổng thông tin quốc gia. Với số vốn này, VinFast là công ty có quy mô vốn lớn nhất trong hệ sinh thái Vingroup và cũng xếp trên các ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam như BIDV, Vietcombank, VietinBank.

Xét về cơ cấu cổ đông, Vingroup đang là công ty mẹ nắm giữ hơn 51,52% vốn VinFast. Cổ đông lớn tiếp theo là Tập đoàn Đầu tư Việt Nam sở hữu 40,98%. Ông Phạm Nhật Vượng nắm giữ 5%. Ngoài ra, 3 người thân của ông Vượng cũng sở hữu thêm 2,5% cổ phần.

vinfast-bieu-do-png-1431-1630989493.png

Tại thời điểm 31/12/2020, quy mô tài sản đạt gần 98.834 tỷ đồng, tăng hơn 8.300 tỷ đồng so với năm trước. Trong đó, tài sản cố định chiếm 68%, tương đương gần 66.850 tỷ đồng. Về nguồn vốn, nợ vay tài chính ở mức 53.212 tỷ đồng, phần lớn là khoản vay dài hạn. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu và hệ số nợ/tổng tài sản lần lượt là 3 lần và 0,54 lần.

Trước VinFast, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã kinh doanh xe điện, và Tesla là một trong những đơn vị tiên phong. Tuy nhiên, ngoài nguồn thu từ sản xuất kinh doanh ôtô điện thì đơn vị này còn bán tín dụng carbon (carbon credit). Số tiền Tesla kiếm được từ việc bán tín dụng carbon đang có dấu hiệu tăng mạnh, hỗ trợ lớn cho lợi nhuận của hãng. Năm 2019, tổng doanh thu từ việc bán tín dụng phát thải của Tesla khoảng 594 triệu USD và lên 1,6 tỷ USD năm sau đó. Con số này vẫn tiếp tục tăng khi BCTC quý I/2021 của Tesla ghi nhận 518 triệu USD doanh thu từ bán tín chỉ carbon và 354 triệu USD vào quý II.

tesla2-png-9116-1631038266.png
Nguồn: Tổng hợp

Trong khi đó, China Evergrande Group, tập đoàn bất động sản lớn nhất Trung Quốc, cũng gia nhập lĩnh vực xe điện qua công ty con là China Evergrande New Energy Vehicle Group (Evergrande NEV). Hãng từng đặt mục tiêu vượt qua Tesla và các tên tuổi khác để trở thành nhà sản xuất xe điện "lớn mạnh nhất thế giới" vào năm 2025.

Thông tin này khiến cổ phiếu Evergrand NEV tăng vọt, vốn hóa của hãng xe điện Trung Quốc đạt khoảng 87 tỷ USD, lớn hơn cả Ford Motor trong tháng 4. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh xe điện gặp khó khăn khi nửa đầu năm nay lỗ ròng 4,9 tỷ nhân dân tệ. Tại buổi triển lãm ôtô được tổ chức hồi tháng 4, hãng xe này cũng không bán được chiếc xe nào dưới thương hiệu của mình. Đầu tháng 8, tập đoàn cho biết đang đàm phán với “một số nhà đầu tư bên thứ 3 độc lập” để bán cổ phần trong các công ty con, thuộc lĩnh vực xe điện và dịch vụ tài sản. Điều này khiến cổ phiếu giảm tới 90% trong thời gian gần đây.

Nguồn: Ndh
Từ khóa:

Có thể bạn quan tâm

tin tức liên quan

Trong phiên giao dịch sáng ngày 3/5, cổ phiếu BVH của Tập đoàn Bảo Việt tiếp tục giảm sàn xuống 76.700 đồng/cp, dư bán sàn gần 1,6 triệu đơn vị và trắng bên mua.

Thứ tư, 27/09/2023