Chủ nhiệm Vietnam Silicon Valley: Các startup Việt thiếu nhà đầu tư thiên thần

Các startup Việt cần tiếp thu những điều sau đây để tiếp cận thành công dễ dàng hơn.

Vietnam Silicon Valley (VSV) là đề án thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon của Bộ Khoa học & Công nghệ, được khởi xướng từ năm 2013 với sứ mệnh đồng hành và hỗ trợ Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam. Nhiều startup tốt nghiệp từ chương trình của VSV đã gọi thành công vốn đầu tư vòng tiếp theo với định giá nhiều triệu USD như TechElite, Lozi, SchoolBus, Ship60…

Phóng viên có cuộc phóng vấn với bà Thạch Lê Anh, nhà sáng lập, chủ nhiệm VSV về câu chuyện khởi nghiệp tại Việt Nam.

- Theo bà, startup Việt cần đổi mới trên những phương diện nào?

- Đối với startup nói chung, việc quan trọng nhất là thiết kế mô hình kinh doanh có khả năng nhân rộng, tăng trưởng và bao gồm các thành tố sau: Giá trị mang lại từ sản phẩm, dịch vụ; Nguồn lực, hoạt động cần thiết để xây dựng, phát triển giá trị; Đối tượng khách hàng; Cách tiếp cận khách hàng; Cách giữ quan hệ với khách hàng; Xem xét năng lực chi trả từ khách hàng; Tìm kiếm các đối tác; Cân đối các khoản chi phí. Mô hình kinh doanh cần các yếu tố trên thì startup mới chứng minh được khả năng phát triển, thành công.

- Bà đánh giá như thế nào về năng lực sáng tạo của các startup Việt?

- Tôi nghĩ rằng người Việt Nam rất thông minh. Tôi đã "scan" hơn 2.000 hồ sơ, tương đương 4.000 – 5.000 người, các bạn có nhiều ý tưởng tốt để giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, các bạn còn thiếu mentor (người hướng dẫn). Các startup nên tìm đến những người biết cách thiết kế mô hình kinh doanh, biến ước mơ thành hiện thực, hơn là các CEO, chuyên gia có thể cung cấp vốn đầu tư.

VSV có hơn 100 mentor trên toàn thế giới, trong nước là 60 người. Ban đầu, khi đến với VSV, đa phần startup nghĩ đến các khoản tiền, tuy nhiên, hiện tại, họ không còn nghĩ đến việc đó nữa. Thậm chí có những người chỉ mong vào VSV, tiền có thể tự huy động được.

- Các startup công nghệ Việt đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Còn với startup nông nghiệp, theo bà đâu là lợi thế cạnh tranh?

- Thực ra trên thế giới, startup nông nghiệp gọi được vốn nhiều hơn. Khó khăn cho các startup nông nghiệp tại Việt Nam là không có cái nhìn tổng thể, chỉ giải quyết một vấn đề như đất đai, môi trường tại địa phương hay gia tăng năng suất cây trồng, mà nông nghiệp thì không thể giải quyết riêng lẻ được. Họ cần làm quy hoạch vùng để thu hút nhà đầu tư.

Quảng cáo

- Bà chia sẻ rằng vấn đề lớn nhất của startup Việt là thiếu nhà đầu tư thiên thần. Bà định nghĩa đối tượng này như thế nào?

- Họ thường đầu tư vào những lĩnh vực sở trường. Ngoài các khoản tiền, nhà đầu tư thiên thần còn chia sẻ kiến thức, mối quan hệ. Có một số nhà đầu tư mang tính chất đầu tư tài chính. Ở Việt Nam, cả 2 loại nhà đầu tư này còn hiếm. Còn thế giới định nghĩa rất rõ, độ tuổi từ 56, có nguồn tiền rảnh rỗi và sử dụng khoảng 10% tiền tiết kiệm để đầu tư.

Bản thân từ “thiên thần” đã rất đẹp đẽ rồi, ngoài kỳ vọng vào khoản tiền tăng trưởng, đa phần họ không có đòi hỏi gì. Thậm chí, họ chỉ cần nói chuyện với nhóm startup thấy hợp, có chí hướng. Ý tưởng chưa chắc thuyết phục được nhà đầu tư thiên thần nhưng ý chí thì có thể.

40846aa42b85d2db8b94-8932-1576030627.jpg
Bà Thạch Lê Anh, người sáng lập, chủ nhiệm Vietnam Silicon Valley.

- Làm thế nào để kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam và thế giới, thưa bà?

- Tại Việt Nam, vào cuối năm, chúng ta tổ chức sự kiện khởi nghiệp Techfest, tương tự ở Hàn Quốc và Singapore cũng có những sự kiện lớn nhằm kết nối giữa những người làm chính sách của các chính phủ, nhà đầu tư và các startup. Tôi nhận thấy rằng Việt Nam ngày càng thu hút các nhà đầu tư bởi chúng ta có những lợi thế như dân số 100 triệu người, Chính phủ hỗ trợ khởi nghiệp. Các quốc gia khác phát triển nhờ nền tảng chính sách, còn Việt Nam hiện đang mò mẫm và tìm ra giải pháp, chúng ta đi từ số 0 nhưng sau 6 năm đã phát triển vượt bậc.

Việc kết nối với quốc tế là điều đương nhiên. Tôi nhận thấy các nước chủ động kết nối với Việt Nam nhiều hơn. Bởi các quốc gia này đều đi trước và nhận thấy những khó khăn. Ví dụ như Singapre, họ nói rằng một quốc đảo nhỏ không có thị trường cho startup mặc dù Singapore có thể thu hút nhà đầu tư, vì thế, họ mong muốn kết nối với hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam để khai thác thị trường và đưa ra các giải pháp cho startup Việt.

- Bà đánh giá như thế nào về quá trình kết nối của các startup Việt?

- Một vài năm trước, việc kết nối còn lỏng lẻo, chúng tôi phải đi gõ cửa từng đại học, doanh nghiệp, nhà đầu tư. Cho đến nay, mọi thứ có vẻ suôn sẻ hơn bởi chúng ta tổ chức các hội thảo, sự kiện lớn như Techfest. Những người làm chính sách khá trẻ và năng động, không ngại ngần đồng hành cùng doanh nghiệp.

- Theo bà, làm thế nào để việc khởi nghiệp không phải là phong trào?

- Đa phần các nhà đầu tư không ai mong muốn những startup chỉ đi thi hay lấy kết quả ghi vào profile. Theo tôi, nếu các bạn đã quyết tâm khởi nghiệp thì nên tìm đến các vườn ươm tư nhân bởi họ theo sát hơn với thị trường và thiết kế mô hình kinh doanh làm sao có khả năng nhân rộng, tăng trưởng nhanh chóng.

Nguồn: Ndh
Từ khóa:

Có thể bạn quan tâm

tin tức liên quan

Trong phiên giao dịch sáng ngày 3/5, cổ phiếu BVH của Tập đoàn Bảo Việt tiếp tục giảm sàn xuống 76.700 đồng/cp, dư bán sàn gần 1,6 triệu đơn vị và trắng bên mua.

Thứ tư, 22/11/2023